2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Tình yêu
↓↓

Không anh thì ai khác

14-06-2016
A
A
A
A

Tôi không thể đếm được đã bao nhiêu ngày kể từ khi Tùng Anh xa tôi.Nhưng tôi biết, chỉ vừa mới đây thôi, có lẽ do quá nhớ hoặc quá nuối tiếc những tháng ngày chúng tôi đã trải qua mà tôi vẫn cố gắng không chấp nhận sự thật, rằng là anh ấy đã lên máy bay và cách xa tôi hàng nghìn kilomet.



Paris hoa lệ...

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vì một người con trai mà phải phá giá bản thân đến kịch sàn như vậy.Cũng đáng... Tùng Anh là "người của công chúng", mọi cô gái đều muốn có anh ấy. Suất học bổng toàn phần sang Pháp là do anh tự kiếm được; trước khi lên đường du học đã làm quản lý kinh doanh một mạng lưới bán hàng đa cấp ở tuổi 19; hát cực hay và chơi piano cực đỉnh; biết nấu ăn, thậm chí khá ngon.

Thế nào? Hình mẫu lí tưởng chưa? Vậy thì tại sao anh đã "từng" là của tôi? Đừng thắc mắc, chính tôi cũng đang đập đầu bồm bộp vào tường mà vẫn chưa có câu trả lời đây...Đôi khi tôi đứng lặng trước gương hàng giờ liền, nhìn mình một lượt rồi cười nhạt :

- Mình mà không xấu thì cũng...xinh phết ấy chứ...

Hài hước, nhỉ?

Biết vậy, nên tôi vẫn tự an ủi, rằng: "Người đàn bà tầm thường mới cần nhiều nhan sắc, bởi người đàn ông tầm thường dùng mắt nhiều hơn trái tim". Thực ra, không phải tôi mờ nhạt, tôi cũng là tác giả của một số truyện ngắn với một số lượng đông đảo những người yêu mến, có chút cá tính dở hơi cộng một cái đầu khá nhiều suy nghĩ kiểu lộn ruột... Chỉ là do Tùng Anh quá chói lóa, khiến tôi phần nào nhòe nhoẹt khi đi bên anh ấy mà thôi...

Tôi ghét cái cách những đứa con gái khác vây lấy anh ấy hỏi han trò chuyện khi chúng tôi đang hẹn hò. Giống như tôi chẳng hề tồn tại bên cạnh anh hay vô hình, đại lọai là như vậy. Chẳng những thế, anh còn tươi cười hớn hở bắt chuyện lại nhiệt tình, khiến tôi trở nên vô duyên và thừa thãi kinh khủng. Cho đến lúc họ bỏ đi, tôi ấm ức, hậm hực thì anh ôn tồn giải thích :

- Phải giữ hình tượng em ạ, anh là người kinh doanh mà. Toàn mấy đứa cấp dưới của anh đấy.

Anh có vẻ luôn tự hào về bản thân... Tôi cũng tự hào vì anh...

Khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ nhất, còn anh thậm chí bỏ một năm thi đại học để đầu tư cho công việc và chuyến du học đã nắm chắc trong tay.

Tôi chẳng nhớ được chúng tôi đã đến với nhau như thế nào, tự nhiên lắm. Nhưng có lẽ, điều khiến Tùng Anh bị cuốn hút chính là sự khác người của tôi...

***

Đó là một buổi chiều đầy nắng và...không có gió...

Trong khi dòng người đang cố chen chúc nhau, nhích lên từng bước, và mặt ai cũng như mặt tôi: cau có, khó chịu. Thì một "thằng" Liberty xanh ngọc ngớ ngẩn vượt lên trước tôi, cứ vừa đi vừa bóp phanh đột ngột.

Ban đầu tôi chỉ cười thầm và nghĩ: "Chắc thanh niên này mới được mẹ mua xe nên đi đứng manh động". Cho đến lúc dòng người đã thưa bớt, nếu di chuyển từ từ thì vẫn có thể đi đều và đoạn đường sẽ chẳng mấy chốc mà thông thoáng. Nhưng không, thằng Liberty vẫn lập lờ trước mặt tôi một cách lì lợm. Tôi sốt ruột bấm còi inh ỏi, thì nó quay lại nhìn tôi, toe toét. Mặt tôi bỗng đần thối, rồi ngay lập tức, các nơ-ron thần kinh của tôi hoạt động hết tốc độ:

- Hiểu! Thằng này đang trêu ngươi mình đây mà!

Tôi bực mình, đi chậm lại, khi giữa hai chúng tôi có một khoảng cách an toàn, vừa đủ, thì tôi bất ngờ vọt lên, áp sát, vỉa đầu thằng Liberty bằng một cú "tráng trứng" điệu nghệ. Tôi đoán là nó có giật mình, loạng choạng. Vì sau đó nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy nó đã cách xa mình môt đoạn dài. Đến lượt tôi cười thầm đắc thắng :

- Này thì đùa với Ninja Rùa...

Nào ngờ chưa đầy một phút sau, nó lại lao lên, lần này chạy song song với tôi, dai như đỉa. Tôi giảm tốc nó cũng giảm tốc, tôi tăng tốc nó cũng tăng tốc, tôi phanh nó cũng phanh mà tôi ga nó cũng ga. Cứ thế, nó đuổi theo tôi gần hai cây số.

Đường nào vắng, tôi cứ năm mươi, sáu mươi mà vít, nó cũng chẳng kém tôi một giây. Mải nhờn với nó, tôi không để ý đến đoạn đèn đỏ, ngang nhiên phóng qua. Lập tức hai đồng chí giao thông áo vàng rực rỡ như màu nắng ban mai hùng hổ xông tới, chĩa thẳng cây gậy đen trắng về phía tôi tuýt còi tưởng văng nước bọt. Tôi giật thót mình, mồ hôi vã ra như tắm, thề có cụ Các Mác và Bác kính yêu rằng từ hồi biết đi xe máy tới giờ, tôi chưa bao giờ bị "tấp vào lề" như thế này. Thôi thì bố ở nhà đã dặn:

- Công an là bạn của dân con ạ. Nó có bắt thì cũng đừng chạy, xuống nộp phạt là nó cho đi ngay.

Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía... Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng: người lớn chẳng bao giờ sai, họa chăng là do họ...chưa kịp đúng!

Hai đồng chí giơ tay chào tôi rất lịch sự, cất giọng :

- Chị có biết chị đã vi phạm luật an toàn giao thông gì không?

Tôi mếu máo :

- Dạ cháu biết ạ.

Hai đồng chí mỉm cười trìu mến:

- Vậy chị muốn nộp phạt hay muốn giữ xe?

- Dạ cho cháu nộp phạt...

- Thế cầm ở đây bao nhiêu?

- Dạ cháu...



Tôi thấy nước mắt sắp tuôn ra dào dạt. Quả thực hôm nay trong người chỉ còn đúng số tiền đủ cho bữa tối. Sinh viên cuối tháng, "lương" chưa được nhận, ăn mỳ tôm sống cả tuần, xăng xuống gần vạch đỏ, tiền điện thoại còn chẳng có mà gọi về nhà cầu cứu nữa là nộp phạt với chả giữ xe... Mặt tôi lộ rõ vẻ lo sợ và phần nào đó...đau khổ. Lại càng cuống lên khi nhận thấy vẻ mặt hai bác "sự" bắt đầu sốt ruột, nóng mắt và đã tắt nụ cười... Đang khốn khổ khốn nạn thì sau lưng tôi, một giọng nói ấm áp chợt vang lên:

- Hai chú thông cảm ạ. Em cháu mới ở quê lên, cưỡi trâu quen rồi, lần đầu đi đường Hà Nội nên hơi "ngáo". Hai chú cho cháu nộp phạt thay em cháu.

Tôi ngỡ ngàng, há hốc mồm, tưởng vừa lạc vào vườn cổ tích, và "thằng Liberty dở hơi" lại giống như hoàng tử bạch mã cứu tôi thoát khỏi hai "mụ phù thủy" áo vàng. Hai đồng chí giao thông bật cười vì câu xỉa xói tôi của nó, rồi dịu dàng :

- Vượt đèn đỏ, phạt bốn trăm, lần sau rút kinh nghiệm nhé.

- Vâng – Nó nhanh nhẹn rút ví.

- Mời anh kí vào biên lai này.

- Vâng.

Sống lưng tôi lạnh toát. Không hiểu sao mặt tôi cứ đờ ra, đứng yên bất động. Sau vài thủ tục giao dịch nhanh gọn, tôi thấy hai đồng chí giao thông một lần nữa giơ tay chào, "thằng Liberty" cũng đưa tay chào lại như thật. Tôi bỗng ngẩn ngơ, chẳng biết nên cảm ơn hay nên gào vào mặt nó nữa. Nó từ từ bước về phía tôi, đưa mắt dò xét một lượt rồi bật cười châm chọc :

- Muốn chết à?

- Thế đấy tưởng đây thích sống à? – Tôi cay cú vặn lại.

- Còn non và xanh lắm...

Nó lắc lắc đầu ra cái vẻ ta đây đầy mình kinh nghiệm, ngứa mắt. Tôi lặng im, không dám cãi. Dù sao cũng là do tôi hiếu thắng, lại bất cẩn nên mới gây ra hậu quả khiến...nó phải gánh chịu, tôi cảm thấy to tiếng với nó lúc này quả là một hành động "bất nghĩa" và vô ơn. Như cũng chẳng muốn làm khó cho tôi, nó vào thẳng vấn đề:

- Thế bây giờ thanh toán như nào nhỉ?

Tôi rùng mình. Sinh viên, đứa nào chẳng bị tiền nó...vật? Cứ nghĩ đến cái cảnh tháng sau cũng đói rã rời và hùng hục làm thêm trả nợ, tôi lại thấy ruột gan quặn thắt từng hồi, trong khi tôi còn hàng trăm thứ tiền phải nộp, hàng tỉ việc cần phải chi tiêu. Rồi, không để tôi vật vã với mớ cảm xúc lòng vòng lâu, nó đề nghị:

- Sang quán café bên kia ngồi thương lượng.

Mặt tôi ngắn tũn lại. Nó cư xử quái dị chưa từng thấy, nhưng vô cùng "thâm hiểm", mỗi hành động của nó đều có mục đích và biết cách đẩy người ta vào trạng thái "không thể chối từ". Tôi thực sự khó mà làm trái lời nó vào lúc này, đành miễn cưỡng dắt xe lẽo đẽo theo sau nó...

***

Nó chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, nơi có mấy chậu hoa tím nhỏ li ti treo lủng lẳng trên mái hiên, nên thơ khủng khiếp. Tôi ngập ngừng mãi, không dám ngồi xuống chiếc ghế đối diện nó, không phải tôi làm duyên làm dáng gì sất, mà tôi sợ phải đối mặt với thằng "thanh niên bí ẩn" đó. Tôi sợ nó lại bắt lỗi, rồi lại dồn tôi vào những tình thế khó xử tương tự. Chẳng hỏi tôi xem muốn uống gì, nó vẫy chị phục vụ:

- Cho em một nâu đá và một cam tươi.

Tôi vẫn lặng thinh, đưa mắt nhìn xa xăm, ngây thơ vô tội...

Nó bỗng lên tiếng:

- Tình hình là đằng ấy khai rõ tên tuổi địa chỉ để tớ còn biết đường ghi sổ nào?

- Sổ gì? – Tôi giật mình.

- Sổ nợ - Nó nhăn nhở.

Tôi thở dài, khai một mạch không chớp mắt:

- Nguyễn Nhật Nguyên, sinh ngày 17 tháng 8 năm một nghìn chín trăm hồi đó... Sinh viên năm thứ nhất học viện Báo chí và Tuyên truyền khoa Báo lá cải chuyên ngành bán báo dạo.

Nó hơi ngớ ra vì sự thay đổi thái độ đột ngột của tôi, làm tôi khấp khởi mừng thầm, tưởng đã ép được nó vào thế bị động. Chẳng ngờ, ít giây sau, nó nhoẻn miệng cười tinh quái:

- Trước cách mạng tháng Tám bố mẹ làm nghề gì? Địa bàn hoạt động ở đâu?

Tôi đứng hình toàn tập!

***

Sau lần gặp gỡ đó, tôi bắt đầu giữ liên lạc với Tùng Anh, và thôi không gọi anh là "thằng Liberty ngớ ngẩn" nữa. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi quyết tâm, bằng mọi giá sẽ trả lại cho anh số tiền nộp phạt ấy. Tôi không sống được trong cảm giác mắc nợ người khác... Và rồi, càng tiếp xúc tôi càng nhận ra: Bạn có thể học hỏi khá nhiều điều hay ho ở một chàng trai Bảo Bình.Tùng Anh cũng vậy, anh giống như cái TV với một kho tàng kiến thức đồ sộ.

Từ kênh "MTV" đến "Thế giới động vật", thậm chí cả "Bản tin thời tiết" và "Bạn của nhà nông" anh cũng nhập hết.

↑↑ Lượt xem: 152
1 3 >>
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617
Polaroid