Pair of Vintage Old School Fru
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Gia đình
↓↓

Vì con là con của mẹ

14-06-2016
A
A
A
A

Nó ôm lấy mẹ òa khóc nức nở. Cái từ "mẹ" được bật ra, vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nó đã mong đợi được gọi dì là mẹ từ rất lâu rồi. Cuối cùng thì nó cũng tìm thấy mẹ, tuy không sinh ra nó nhưng vẫn là một người mẹ đúng nghĩa.

***

"Trời mưa bong bóng phập phùng

Mẹ đi lấy chồng con ở vơi ai"

Tiếng ai ru con văng vẳng trong chiều nghe sao buồn thế. Mắt nó chợt cay cay khi nhớ đến người mẹ của mình. Nó đã từng có một người mẹ dịu dàng và một gia đình hạnh phúc. Nhưng rồi mọi chuyện đổi thay từ khi bố mất việc. Mà nguồn thu nhập của cả gia đình chủ yếu chỉ trông chờ vào đồng lương của bố thôi. Chán nản, bố đâm ra rượu chè, cờ bạc rồi về đánh mắng mẹ. Đêm nào nó cũng nghe tiếng loảng xoảng của chén bát vỡ. Nhiều khi đang ngủ cũng giật mình thon thót. Nó thấy mẹ khóc. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên đôi má bầu bĩnh của nó. Tiếng đổ vỡ hòa với tiếng khóc xé lòng của mẹ, giày vò tâm trí nó, ám ảnh nó cả trong những giấc mơ. Và rồi mẹ cũng bỏ nó mà đi, mẹ ra đi trong một chiều mưa bong bóng, như chiều nay. Khi ấy nó mới năm tuổi. Nó bật khóc khi nhớ về chiều mưa năm ấy, một con bé năm tuổi, chạy dưới mưa, vừa gào khóc vừa gọi mẹ đến khản cả cổ. Nhưng mẹ đi mãi không về. Chiều nay nó lại khóc. Nó khuỵu xuống: "Con có tội tình gì đâu, sao mẹ nỡ bỏ con mà đi?"

***



Thời gian trôi, nó đã bước vào tuổi thiếu nữ. Nhưng thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, nó thành một đứa con gái "phát triển tự nhiên", như một bông hoa hoang dại không được ai chăm bón. Trông nó cũng xinh xắn nhưng ăn mặc tuềnh toàng, mái tóc lúc nào cũng rối bù, nó hoàn toàn không biết làm điệu như những cô bạn khác. Việc nhà, từ lớn đến nhỏ, nó cứ động vào cái gì là hỏng cái ấy, rửa bát không sạch, quét nhà không nên. Mà chẳng hiểu sao nó động vào cái gì cũng loảng xoảng mà bố nó vẫn bắt nó làm. Cơm nó nấu thì bữa sống bữa khê, thức ăn thì mặn chát, toàn kiểu chém to kho dừ. Có lần bố nó giận hất cả mâm cơm đi rồi quát nó ầm ầm:

- Con gái lớn rồi mà không biết làm ăn một cái gì cả. Cứ để bố mày phải hầu mãi à?

Nó không nói câu nào, lẳng lặng nhặt từng mảnh bát vỡ, tuyệt đối không có lấy một giọt nước mắt. Bao nhiêu năm trôi qua nhưng thói quen uống rượu của bố nó vẫn không thay đổi. Mà mỗi lần say bố lại đánh mắng nó. Ngày trước nó còn khóc, dần dần nó cũng chả buồn khóc nữa, bố nó đánh đến gãy cái roi là cùng chứ gì. Có lần nó hét lên:

- Bố cảm thấy đánh chết được con thì đánh đi. Vì bố nên mẹ mới bỏ đi. Con ghét bố.

Bố nó nghe xong liền tát nó một cái và quát:

- Câm mồm! Con mẹ mày nó bỏ đi theo trai rồi. Đừng có nhắc đến nó trước mặt tao.

- Dù sao thì tất cả cũng là tại bố.

Nó lẩm bẩm trong miệng nhưng cũng đủ để bố nó nghe thấy. Bố nó lại như phát điên lên, túm lấy tóc nó rồi đay nghiến:

- Cái con mất dạy này. Mày càng lớn càng giống con mẹ mày.

Hơi men phả vào mặt nó khiến nó choáng váng. Rồi bố nó buông tay ra khiến nó đổ sụp xuống nền nhà. Đưa tay lên vuốt một bên mặt hằn năm đầu ngón tay, nó chua chát:

- Bố có dạy con đâu mà bảo con mất dạy.

Những khi say bố nó thường hung dữ thế. Còn lúc bình thường bố nó rất ít nói. Hai bố con đều lầm lì như nhau nên cái nhà nhiều khi cái nhà lạnh lẽo đến phát sợ. Bố quát mắng nó thường xuyên vì nó vụng về quá, nhưng chỉ khi say mới ra tay đánh nó. Tội nghiệp nó, ai bảo càng lớn càng giống mẹ chi. Có lẽ, bố ghét nó, đánh nó, mắng nó cũng vì thế.

Nó ngồi lặng lẽ trước gương, nó nhìn lại những bức ảnh gia đình đặt trên bàn. Phải công nhận một điều, những đường nét trên khuôn mặt nó rất giống mẹ, nhất là đôi mắt. Nó bỗng xua tay gạt tất cả xuống đất. Cả chiếc gương, cả những khung ảnh. Những mảnh kính vỡ văng tung tóe trên sàn nhà. Nó cúi xuống, nhặt lấy một mảnh thật sắc rồi cắt bỏ đi từng mớ tóc, mái tóc dài hoe màu nắng bỗng chốc cụt ngủn. Từ đó nó không để tóc dài nữa, cũng chẳng mấy khi soi gương nữa. Nó trở nên hoang tàn, lì lợm. Tính cách ngày một bất cần. Ở lớp nó chẳng có đứa bạn gái thân nào cả, nó toàn chơi với lũ con trai, cũng đá bóng, đánh đấm như con trai. Nhiều khi còn theo bọn con trai đi đánh nhau nữa. Những lời quát mắng, đòn roi chẳng có nghĩa lí gì với nó. Nó dường như đã chai lì.

***



Một ngày, bố nó dẫn về một người phụ nữ, làm một cái lễ cưới hỏi đàng hoàng, và bảo nó gọi người ấy là "mẹ". Làm sao nó có thể gọi một người đàn bà xa lạ là mẹ chứ. Nó chỉ có một người mẹ thôi. Dẫu người mẹ ấy có đành lòng bỏ nó đi thì mẹ vẫn là mẹ. Không thể nào khác được. "Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời" – nó đã được dạy như thế. Vậy thì, nó phải xưng hô với người phụ nữ kia thế nào đây? Như đoán được điều khó xử của nó, người phụ nữ kia chủ động nói:

- Con không muốn thì cứ gọi cô là "dì" cũng được.

Ngay từ lúc mới về nhà nó, cô ấy đã tỏ ra rất tốt với nó, nhưng nó vẫn giữ thái độ lạnh lùng và lì lợm. "Mấy đời bánh đúc có xương" – nó nghe mấy bà hàng xóm nói vậy. Đối với người vợ thứ của bố, nó không yêu quý cũng không ghét bỏ, nó cứ lạnh lùng như một tảng băng. Sống cùng một mái nhà nhưng nó với người mẹ kế hầu như không bao giờ nói chuyện với nhau. Thỉnh thoảng, trong những tình huống buộc phải giao tiếp, nó mới nói với mẹ kế được vài câu, nhưng rất gượng gạo.

Phải công nhận là từ ngày nhà nó có thêm thành viên mới mọi thứ trong nhà đều tươm tất, nhà cửa lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, cơm canh nóng hổi. Bố con nó được ăn những món ngon chứ không phải nhai thứ cơm trệu trạo trên sống dưới khê như trước. Dì nó mở một hiệu may nho nhỏ ở gần nhà để có thêm thu nhập. Thỉnh thoảng dì lại may cho nó khi thì chiếc váy, khi thì cái áo, nó nhận hết nhưng rồi lại xếp vào tủ, chẳng bao giờ nó mặc mấy thứ đồ điệu đàng đó. Toàn mặc quần jean với áo phông hay áo sơ mi rộng thùng thình như con trai.

Nó bước vào cái tuổi mới lớn, cái tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa đủ lớn. Cái tuổi mà người ta vẫn hay nói là "dở dở ương ương", vô cùng ngang bướng và thích nổi loạn. Rồi một ngày nó nhận ra cơ thể mình thay đổi, kì nguyệt san đầu tiên khiến nó bối rối. Được học môn sinh học rồi nhưng nó vẫn không khỏi bất ngờ và lúng túng, nó tìm đến mẹ kế với vẻ mặt "cầu cứu". Mẹ kế thấy điệu bộ ấp úng của nó, thoáng nhìn đã phát hiện ra ngay. Cô mỉm cười dịu dàng với nó: "Con gái dì đã lớn thật rồi đấy". Rồi chỉ bảo cho nó phải làm thế nào.

Sau lần ấy mối quan hệ của nó với mẹ kế có vẻ được cải thiện hơn. Nhiều khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, mẹ kế nó lại thủ thỉ tâm sự, con gái phải ăn mặc thế nào, đầu tóc ra sao. Nó vờ như không để ý nhưng rõ ràng nó đang dần thay đổi. Cái đầu thường bù xù được chải gọn gàng lại, những chiếc áo dì may cho nó, nó bắt đầu mang ra mặc. Rồi nó cũng biết vào bếp phụ dì nấu nướng. Tảng băng trong lòng nó đang dần tan ra. Thì ra bấy lâu nay nó cứ tỏ ra lạnh lùng, vô tâm nhưng thực ra nó vẫn khao khát tình mẹ. Nhiều khi nó muốn mở lòng với mẹ kế, nó muốn gọi dì một tiếng "mẹ" nhưng lại thấy ngượng miệng. Nỗi đau mất mẹ vẫn còn vẹn nguyên trong lòng nó.

***

Một thời gian sau dì nó sinh được một bé trai. Thế là bao nhiêu tình cảm bố dồn hết cả vào đứa em. Nó cảm thấy mình như người thừa trong gia đình. Khi em nó cứng cáp hơn, dì nó quay trở lại với công việc thường ngày và nó có thêm việc trông em. Sáng đi học, chiều về trông em, ngày nào cũng thế. Đứa em thì hay quấy khóc khiến nó rất vất vả, đã thế bố nó không hiểu, cứ nghĩ nó trông em không chu đáo nên hay quát mắng nó. Nhiều khi nó bực bội bỏ mặc thằng em khóc oặt cả người, khóc chán cũng phải nín. Nhiều lần như thế, nó không thèm dỗ mỗi lần em khóc nữa. Thằng em khóc chán thì mệt ngủ thiếp đi.

Một lần trong khi nó lúi húi dưới bếp, thằng em đang chơi một mình trên nhà bỗng khóc ré lên. Nghĩ em lại ăn vạ nên nó chẳng buồn chạy lên xem. Nhưng lần này em nó khóc mãi không dứt, tiếng khóc nghe rất thảm thương. Nó không đành lòng liền đặt mớ rau xuống, chạy lên nhà, cũng là lúc dì nó vừa kịp về đến nơi. Trước mặt nó là cảnh tượng mà nó không thể nào ngờ đến, thằng em nó đang bò lăn ra nhà, khóc tím cả mặt mày, phích nước nóng bị đổ làm cái nút gỗ bật ra, nước chảy lên láng trên sàn. Dì nó hét lên một tiếng rồi chạy lại bế thốc thằng nhỏ lên.

- Trời ơi! Con tôi! Con ơi là con. Mẹ phải làm thế nào bây giờ?

Nước mắt chảy ròng ròng trên gò má người mẹ khốn khổ. Thằng nhỏ vẫn khóc ngặt nghẽo, tím tái cả da thịt. Lúc ấy nó đứng chết lặng, cổ họng không nói được câu nào. Dì nó vội chạy lại chỗ vòi nước xả cho dịu vết bỏng ở đùi thằng bé. Cùng lúc đó bố nó đi làm về, hốt hoảng:

- Thằng bé làm sao thế?

- Bị bỏng nước sôi anh ạ! – Nước mắt lưng tròng mẹ nó mếu máo nói.

- Còn đứng đực ra đấy làm gì nữa. Không mau ra vườn chặt mấy cây nha đam về đây – Bố nó quát lên với nó như vậy.

- Không cần đâu. Con chạy vào bếp lấy cho dì cái bát với mấy quả trứng gà tươi ra đây.

Nó lật đật làm theo, đầu óc không nghĩ được gì. Mẹ nó đưa thằng nhỏ cho bố nó bế rồi vội vàng đập mấy quả trứng, lọc lấy lòng trắng, thao tác nhanh gọn và khéo léo. Sau khi đánh tan bát lòng trắng, cô dùng nó để bôi vào vết phỏng của đứa trẻ, thằng bé vẫn khóc mải miết không dứt, tiếng khóc lạc cả đi, chắc là nó đang rất đau. Sau đó thằng bé được đưa đến bệnh viện. Chỉ còn mình nó ở nhà. Nó gục xuống, tim thắt lại. Trời ơi, nó đã làm gì thế này? Nó vẫn chưa hết hoang mang. Nước mắt chưa kịp trào ra thì lồng ngực đã quặn lại. Đến chiều hôm ấy thì bố mẹ nó đưa thằng em về. Thằng bé dường như đã thấm mệt và ngủ rất say sưa. Ngập ngừng mãi nó mới dám cất tiếng hỏi khe khẽ:

- Em...thế nào rồi dì?

"Bốp!".

↑↑ Lượt xem: 121
1 2 >>
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617