Old school Easter eggs.
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Tản Mạn
↓↓

Phù phiếm

14-06-2016
A
A
A
A

 Chợt muốn thốt lên một câu, xã hội phù phiếm.

***

Cách đây mấy hôm, gần nhà trọ tôi có một đám tang. Cuộc sống thành thị, đèn nhà ai nhà nấy sáng. Người xung quanh vội vã đi về trong những bận rộn của riêng mình, chỉ có thể một bên chậc lưỡi cảm thương, "thế sự vô thường, mới hôm qua còn yên tĩnh, hôm nay đã thấy kèn nhà ai kéo tang, người nhà ai than khóc", rồi khẽ niệm một câu giã biệt cho người đã chết, dù, không biết người đó là ai.

Thế rồi thôi.

Hôm qua, tình cờ, tôi đi ngang qua đoạn đường có đám tang ấy. Nhìn thấy ngôi nhà quen, trước đây đã từng đi qua, treo đầy băng lụa trắng. Chợt nghe tiếng khóc não nề, "Em trai ơi, em còn trẻ như thế, em còn trẻ như thế..." Câu khóc khiến tôi giật mình. Mạn phép nhìn vào bàn thờ trước sảnh nhà, liền ngẩn ra bần thần. Trên bàn thờ là bức ảnh cậu con trai trẻ của nhà ấy, gương mặt thanh ưu, phía dưới, ba đứa trẻ đầu đeo băng trắng nằm dài ra sàn nhà mà khóc. Rất thê lương.

Đó là cậu trai trẻ mà vài hôm trước tôi vẫn còn chạm mặt, và, còn khỏe mạnh.



***

Gia đình ấy có một gánh hủ tiếu chay lề đường. Tôi vẫn thường hay ăn. Không thân không quen, nhưng ít ra cũng gọi là biết mặt, kiểu như là, à, gần nhà trọ mình, có một nơi bán hủ tiếu chay. Cậu trai trẻ ấy không có bố, tôi nghĩ thế, vì chưa từng thấy đàn ông ở cái nhà ấy bao giờ. Mỗi chiều, bà ngoại, bà mẹ, và cậu trai trẻ, lại đẩy gánh hủ tiếu ra đường. Thỉnh thoảng tôi đi học về, sẽ đi ngang qua và nhìn thấy. Nghĩ thầm trong lòng, à, hôm nay cậu trai kia lại ra bán hàng phụ mẹ.

Một buổi tối muộn nhiều hôm trước, tôi đi ăn hủ tiếu chay. Quán hàng sắp dọn, đã gần như hết khách, chỉ còn mỗi mình tôi và một vị khách vừa mới ăn xong. Bà chủ gánh thấy tôi ngồi ăn một mình, kéo ghế lại bắt chuyện, bảo là: hôm nay con ăn hủ tiếu có ngon không?

Tôi bảo có. Bà chủ quán cười, rồi lại thở ra một hơi thật dài, lục túi áo, lấy một điếu thuốc ra châm. Bảo rằng, hôm nay dọn hàng, con trai cô vấp ngã, đổ hết gần nửa nồi nước lèo, chỉ còn lại một nửa, bán không đủ vốn. Chẳng biết ngày mai lấy tiền đâu ra để bán tiếp đây.

Rồi nhìn tôi hỏi nửa đùa nửa thật, con này, có tiền không cho cô vay một hai trăm.

Tôi cười bảo, con không có.

Bà chủ quán lại rít một hơi, phả khói, rồi tiếp tục cười. "Đùa thôi. Nhưng mà con xem, gia đình cô thế này, nếu lỡ mai cô chết, lấy ai lo cho thằng con cô. Con biết đó, nó khờ dại lắm. Không có cô, làm sao nó sống."

Tôi im lặng. Qua những lời truyền tai nhau vài ngày trước, tôi biết, bà ngoại nhà ấy vừa ốm một trận. Thuốc men rất tốn tiền. Rồi lại biết, dường như, bà chủ nhà ấy hiện nay nuôi vài đứa cháu bà con, chỉ có duy nhất cậu con trai trẻ kia là con ruột. Mà không thấy bố đâu.Cậu con trai kia hình như thần trí cũng không bình thường, có chút khờ khạo.

Tôi cảm thấy không ăn được nữa. Không nói gì, tôi trả tiền rồi đứng lên. Trong đầu vẫn loanh quanh câu nói, "nếu lỡ mai cô chết, biết lấy ai lo cho thằng con cô."

Bẵng cho đến hôm kia, thật trêu ngươi, người con trai ấy đã ra đi trước mẹ mình.

***

Đám tang nhà ấy đã dọn. Lúc đi ngang qua không còn nghe thấy tiếng kèn trống thê lương nữa. Dẫu vậy, không khí âm u buồn bã vẫn còn.

Tôi đứng trước cửa tiệm tạp hóa quen, trong lúc chờ lấy đồ, bèn nghe cô chủ tiệm kể lể.

Này, con có biết đám tang của thằng nhỏ... nhà.... mới đây không?

Dạ, con biết. Thật là khó ngờ.

Ừ đấy. Mà con biết, thằng nhỏ bình thường ngoan hiền lắm, hay giúp mẹ nó lắm. Mấy người quen trong xóm đi đưa đám rất đông. Tội nghiệp, ai cũng thương. Thằng nhỏ chết oan ức.

Tôi ngờ ngợ, "tại sao thế?"

Cô chủ quán vừa gói bọc đồ, thối lại tiền cho tôi, vừa thở dài mà rằng. "À thì, mẹ nó thiếu tiền, đi vay người ta. Bọn chủ nợ nó sai côn đồ đến lấy. Mẹ nó không có nhà. Chẳng biết làm sao, bọn kia lại đâm thằng nhỏ. Thằng nhỏ bị đâm, chảy máu, vẫn cố chạy, ra đến được chỗ công an phường, thấy mẹ nó ở đó. Rồi cứ thế mà ngã vào lòng mẹ. Công an đưa đến bệnh viện, nhưng mất nhiều máu quá nên phải chết. Trên tay mẹ nó. Hôm đó nó có chạy ngang qua chỗ cô này. Thật thương."

"Tại sao lại đâm? Bọn đâm không bị bắt sao?"

"Bắt chứ. Bắt ngay tại chỗ. Nhưng mà có làm được gì. Tội nghiệp thằng nhỏ chết oan."

Nói rồi, cô chủ tiệm lại thở dài, tiếp tục lấy đồ cho khách khác, miệng vẫn chậc chậc, tội nghiệp, tội nghiệp.

Cậu trai trẻ kia, là chết oan sao?

***

Hôm nay, tôi đọc được trên một bài báo, tựa rằng, khi đại gia say. Có vị đại gia mới nổi nọ, uống say chếnh choáng, mới ôm vai anh nhà báo trẻ mà hỏi rằng. Này chú em, chú cho rằng anh tốt hay anh xấu?

Nhà báo không trả lời, đại gia liền rút ví ra. Này, chú chỉ cần nói anh là thằng tốt, tiền trong ví này, chú muốn lấy bao nhiêu tùy thích.

Nhà báo không chấp người say, im lặng đứng lên định bỏ về, bèn bị đại gia kéo lại. Bảo rằng, chú em không nói, thì để người khác nói. Rồi đại gia ngoắc một em phục vụ, đặt một xấp năm trăm nghìn lên bàn, bảo em chỉ cần nói anh là người tốt, xấp tiền này liền cho em.

Không cần nói cũng biết, xấp tiền sau đó đã được khéo léo cẩn thận cất vào túi cô phục vụ. Nhà báo không bình luận thêm gì, chỉ cảm khái một câu rằng, nếu cổ nhân biết được, liệu có hay không suy xét lại câu "Nghìn vàng đổi lấy nụ cười như không"?

Và kết luận, cách đại gia say, cũng thật là khác người.

***

Đọc bài báo trong đêm, ấn tượng cũng thật mạnh. Chợt muốn thốt lên một câu, xã hội phù phiếm.

Phương Dương

 

↑↑ Lượt xem: 76
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617