XtGem Forum catalog
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Tản Mạn
↓↓

Người tình xứ núi

13-06-2016
A
A
A
A

Gùi hàng gỡ xuống từ đôi vai hao gầy như trút đi gánh nặng khó gọi tên trong giây phút cuộc đời ngắn ngủi.

***



Tôi lặng lẽ đặt lưng ngồi cạnh chị, người con gái Mông bé nhỏ có nụ cười sang, đôi mắt đen nháy đượm chút buồn. Chị đẹp, nét đẹp nhuốm màu từng trải hiện than người con gái vùng đất đá phơi sương. Vết thời gian tuổi tác hằn trên nếp nhăn khuôn mặt gầy guộc, gò má hơi cao, phớt hồng vì lạnh có lẽ còn nhiều hơn chừng thực ấy năm tay vén màn cây, chân vượt dốc núi, mong đoàn khách tròn giấc ăn giấc ngủ. Chị đẹp hơn bởi náu mình trong bộ váy xòe hoa, đầu tóc búi gọn bằng chiếc khăn thổ cẩm màu xanh nõn chuối mua dưới bản buổi chợ chiều. Hình ảnh người con gái Tây Bắc hội tụ nơi chị, quyến rũ, mê dắm lòng kẻ miền xuôi.

Đốm lửa tí tách reo vui, tràn ra cả khoanh đế nồi nhôm cũ kĩ, lẻm đen. Chị ngồi thụm người, lưng hơi khom. Lửa tắt, chị lại nhanh nhẩu đẩy từng nhánh củi khô to bằng cổ tay, bắc nồi cháo gà thơm nức mùi núi rừng đến sôi sùng sục. Hít hà vị hói cay nồng giữa tiết trời mù sương, hai tay xoa nhẹ, áp vào má. Tôi hỏi chuyện chị.

- -Bình thường mình địu một gùi hàng bao nhiêu cân à chị?

- - 20 cân em à.

- -Ngày nào mình cũng lên núi xuống núi đều đặn vậy cơ á? Em phục mọi người thật đấy!

- -Thỉnh thoảng thôi em. Khi nào "có tiền" thì mới làm thôi à. Mệt lắm.

Hỏi thì chẳng ai biết nghề porter có từ bao giờ. Kẻ ở, người đi truyền tai nhau hai chữ "nghề porter" đến độ thành thân quen, mọi cuộc nói chuyện hai từ thốt lên nhẹ bẫng. Đi chuyến này, tôi nhớ về họ như nhớ về người tình của núi cao, rừng thiêng. Đầu óc ngẩn ngơ nghĩ về một ngày, nếu, núi rừng không lướt thướt bóng lưng gùi hàng đổ dài trên vách núi, ắt sẽ buồn hiu và lặng tanh lắm. Cuộc tình trăm năm hay chỉ vẹn tròn một mùa leo núi, dẫu sao, cũng chỉ có họ, người anh em đồng bào đầy cái tình, cái kiên nhẫn với lo toan bộn bề cuộc sống, để dấu chân lưu lạc trên thảm lá khô ngút sương mờ khói, để bàn chân thép, đôi dép tổ ong lội qua những con suối bao mòn hốc đá, réo rắt vang vọng từng khoanh rừng.

Người con gái ấy kể tôi nghe chuyện nghề, dạy tôi chuyện đời, chuyện cuộc sống giữa một cái tình rất sâu rất lạ. Giọng nói có chút ngập ngừng bởi tiếng Kinh không thạo nhưng sâu thẳm trong đôi mắt hanh hao ấy, có một ngọn lửa âm ỉ cháy, nồng nhiệt và đôn hậu. Cái vui của họ như chính con người, hiền lành mà chân chất.

Chàng trai cô gái xứ núi của tôi, nhiều phận đời chưa cán tuổi đôi mươi. Họ còn trẻ nhưng khắc khổ và rắn rỏi. Họ đi trên chặng đường hệt chúng tôi, kẻ chạy theo tiếng gọi chinh phục chốn rừng núi cỏ cây, kẻ hừng hực chuyến đi khởi đầu cho mọi sự: tình cảm, cuộc sống, trải nghiệm, công việc. Chúng tôi ngắm nhìn giang sơn núi non kì vĩ, rong chơi dưới mưa như món quà cho kỉ niệm đong đầy, vô tư chấp nhận không hoài nghi, lặng mình trước khoảnh khắc diệu kì của bình minh vàng vọt chạy dọc đường chân trời trên biển cuồn cuộn mây rồi quay đầu về và có thể không còn một cái hò hẹn nào khác, thì họ lặp lại chuỗi tháng ngày mệt nhoài hơn nửa cuộc đời năm dài tháng rộng hệt chú ốc sên cần mẫn, cắm cúi mà đi. Cái cúi đầu sao mà tình, mà thương, mà day dứt?

Chàng trai cô gái xứ núi của tôi. Tôi khâm phục anh em rẻo cao Tây Bắc. Tôi thương họ, thương cuộc đời sao quá làm bạn với đất rừng sao quá lam lũ, thương tấm lưng còng vì gùi hàng nặng siết, thương đôi chân chai sạn, đôi dép hao mòn bởi nghiệp mưu sinh, thương đôi vai tím ngắt vì quai gùi hàng bện chặt từng thớ thịt đến độ đau không còn là cảm giác. Hay chăng, là cam chịu? Thương bước chân không mệt mỏi nhảy từng nhịp đá, thương nụ cười gia đình hội ngộ. Mẹ chờ con, vợ đợi chồng, bà mong cháu quay về sau từng đợt thồ hàng 2 ngày đêm. Thương vì "khi nào có tiền thì mới làm thôi", sao gùi hàng không nhẹ đi cho đôi chân bớt mỏi, đôi vai bớt đau, cho trái tim bớt phủi màu khắc khổ?

...

Từng quả núi mấp mô sóng đá, vách núi sững sờ chốn rừng thiêng, cao ngút mắt. Sau độ cao 2200m, có những hàng lan can trơ gió trơ sương, dấn đầu dấu tay kẻ lên đỉnh người xuống núi, cái tựa lưng cho bớt mỏi mệt. Vách cao như bàn tay đặt góc 55 độ, đứng phía dưới, tôi vẫn thấy họ cắm cúi mà đi. Gùi hàng đung đưa nhẹ sau lưng, đồ đạc chất cao quá đầu, hai tay bám chặt quai chiếc gùi, người hướng nhẹ về phía trước. Có lẽ, họ làm vậy để giảm sức nặng cân hàng, tránh bị lôi ngược về phía sau khi vượt dốc núi hun hút và hơn thế là bảo vệ cho bản thân mình, cho tính mạng ngày tháng không đảm bảo. Họ ý thức được mức nguy hiểm. Những cú trơn trượt vấp ngã, những loài rắn rết sâu bọ, thời tiết kham khổ khắc nghiệt có thể làm họ mãi rời xa gia đình bé nhỏ vẫn mong chờ mỗi độ chiều về ăn bữa cơm no, uống bát nước ấm. Người tình của núi rừng, họ cứ miệt mài, cứ hi sinh, trọn nghĩa trọn tình trọn trách nhiệm với gia đình, với đám người Kinh chúng tôi lũ lượt viếng thăm ngọn núi ấm cái thân no cái bụng.

Chiều se lạnh rảo bước Hà Nội phố, nhìn xuống chân mình là đôi dép tổ ong lổ rổ trắng muốt mang về từ thị trấn mù sương, hàng vạn câu hỏi tại sao lởn vởn trong đầu. Tại sao bước chân thoăn thoắt của chàng trai cô gái xứ núi lại trần đầy nỗi nhớ ngày thu? Hỏi ngược bản thân, giầy dép chuyên dụng, áo quần tươm tất như mình sau chuyến đi vẫn cứ nhức mỏi ê chề? Hỏi tại sao tấm thân, manh áo cộc mà vẫn ấm áp giữa tiết trời trở đông buốt giá? Hỏi tại sao, anh em đồng bào sinh ra cùng đất mẹ, thở chung bầu khí trời mang hình hài Tổ quốc, ấy mà trải dài Bắc Nam kiếp người thật khác biệt? Nghệt người thấy đâu đó ước mơ đổi đời vẫn mãi nghẹn ngào trong cổ.

Người tình xứ núi của tôi, làm sao để hết yêu dáng người lanh lẻ địu gùi hàng siết nặng cao quá đầu làm vương mái tóc, lại còn bện nước mưa dai dẳng cơ chứ. Một tấm nilong vỏn vẹn, choàng ngang gùi hàng, túm lấy hai đầu cột tạm bợ ngay cổ. Hàng ráo khô, người ướt nhẹp, và họ vẫn cắm cúi rảo chân trên mỏm đá bám xanh màu rêu, dưới cơn mưa rừng tỉ tê nặng hạt.

...

Tôi bước về phía căn bếp xộc xệch tựa mình trên mảnh đất, chập choạng ẩn hiện trong bầu sương mù màu sữa. Rón rén đẩy cửa bước vào, một vài người sẵn ngồi trong ấy. Tiếng Kinh, tiếng Tây, tiếng đồng bào Mông đan chặt góc nhỏ căn bếp ấm cúng. Đưa mắt thấy gùi hàng rỗng buốt lạnh nép mình một góc đơn côi. Mọi thứ được bày biện ra trên mảnh đất trống, hẹp giữa căn bếp. Từ túi ngủ, chén đũa, gạo, thức ăn, nước uống cho đến một vài đùm muối trắng và chai nước mắm. Gùi hàng gỡ xuống từ đôi vai hao gầy như trút đi gánh nặng khó gọi tên trong giây phút cuộc đời ngắn ngủi.

Bếp đã lên lửa, reo vui tí tách, lẻm đen khoanh đế nồi nhôm cũ kĩ. Mùi khói tỏa ra từ nồi cháo gà thơm mùi núi rừng đến xao xuyến lòng. Đắm mình trong câu chuyện tiếng Mông dù không hiểu, họ trao tôi những nụ cười rạng rỡ giữa ngày dần buông.

 

↑↑ Lượt xem: 17
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617