XtGem Forum catalog
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Tản Mạn
↓↓

Đâu rồi tuổi thơ

13-06-2016
A
A
A
A

Sài Gòn mấy hôm nay đột nhiên trở mưa giông kèm theo đó là tiếng sấm chớp, tuy không dữ dội như miền trung quê tôi, nhưng cũng đủ làm tôi – một người con miền Trung giật mình nhớ ... Ngồi trên chuyến xe về miền trung mà lòng tôi nôn nao nỗi nhớ nhà không tả được, chỉ biết mong sao xe lăn bánh càng nhanh để sớm đưa tôi đến nhà.

***



Còn nhớ, mười mấy năm về trước tôi là một đứa trẻ nông thôn hồn nhiên, vô tư lắm. Tôi lúc ấy, rất thích tắm mưa, đặc biệt là mưa giông đầu mùa như những cơn mưa giông ở Sài Gòn lúc này. Nhớ lúc ấy, được tắm mưa là sung sướng lắm và càng sung sướng hơn nữa là khi mưa mà không có ba, má ở nhà. Vì nếu có ba má ở nhà , thế nào tôi cũng đứng trong nhà mà nhìn một cách thèm thuồng tụi bạn trong xóm tung tăng dưới mưa.

Quê tôi không có đồng lúa mênh mông, không có cánh cò bay lả dập dờn như bao làng quê thơ mộng khác đã đi vào thơ ca Việt Nam xưa nay, nhưng bù lại quê tôi là một thung lũng rộng với bốn bên là núi, vì vậy không khí nơi đây trong lành và cảnh vật còn hoang sơ lắm. Tuy không có đồng lúa mênh mông, nhưng quê tôi lại có cả cánh đồng mía nối đuôi nhau trãi dài, với một màu xanh đặc trưng không giống như màu xanh cỏ non của lúa. Tôi không biết diễn tả bằng lời như thế nào bởi vì trong mắt tôi quê tôi đẹp lắm, đẹp từ những cái nắng gay gắt lúc trưa hè, đẹp vì những trận mưa giông đầu hè sấm chớp ầm ầm, đẹp từ những ruộng mía nghi ngút khói đốt đồng lai láng sau thu hoạch, và còn đẹp hơn nữa những buổi chiều cùng với anh em tôi tung tăng thả diều trên đường làng...Đối với tôi tất cả những thứ bình dị ấy nó có một mùi thơm thật kì lạ không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả, tôi chỉ cảm nhận được khi mưa giông về.

Còn nhớ năm tôi lên tám, hè năm ấy mưa giông nhiều lắm, với những hộ nông dân như gia đình tôi thì mưa giông quý lắm, bởi mưa giông nhiều thì cây cối, hoa màu tươi tốt. Sau những trận mưa giông thì cánh đồng quê tôi vui lắm, vui như ngày hội vậy, tất cả người dân trong làng ai ai cũng ra đồng. Vì quê tôi không chủ động được nước, nên mọi người dân ai cũng trồng mía cả và phần lớn là dựa vào "nước trời". Nếu trời thương cho mưa thuận gió hoà thì mùa màng tươi tốt cuộc sống ấm no, nếu không thì vất vả cả năm chả đủ ăn, vì phần lớn dựa vào thiên nhiên nên cuộc sống của người dân quê tôi lúc ấy nghèo lắm. Tuy vậy, nhưng mọi người sống với nhau rất chan chứa tình cảm, không ganh đua không vụ lợi.

Buổi sáng, già trẻ, gái trai đều ra đồng làm việc trên những chiếc xe bò, người đi trước gọi người đi sau, cứ thế có hôm cả đoàn xe bò nối đuôi nhau ra đồng mà tiếng nói chuyện râm rang, í ới cả con đường làng. Buổi chiều, đi làm về họ lại tụ tập nhau tại một nhà nào trong xóm mà tám chuyện, buôn dưa lê. Đàn ông thanh niên thì nhâm nhi nước trà, đàn bà con gái thì ngồi tụ tập nói chuyện nhà cửa, con cái, tôi còn nhớ thời ấy tivi chưa có nhiều như bây giờ và phim Hàn cũng chỉ mới du nhập vào Việt Nam nên những bộ phim tình cảm lúc ấy rất được các bà, các mẹ mê mẩn. Ai sống thời ấy chắc chắn không thể nào quên bộ phim " Mối tình đầu" hay "Giày thuỷ tinh" bộ phim đã lấy không ít nước mắt của các bà các mẹ lúc bấy giờ. Vì ở quê tôi không có cây đa, bến nước nên chuyện tụ tập nhà hàng xóm bàn tán phim ảnh và nhân vật trong phim là chuyện thường.

Cứ tưởng rằng cuộc sống bình yên ấy sẽ còn mãi nhưng người xưa có câu, "không bữa tiệc nào mà không tàn" thật đúng không sai tí nào, không ai có thể lường trước được bất cứ chuyện gì cả, cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ nhất mà con người không thể đoán trước được.

Cách đây khoảng hơn chục năm trước trong thôn có người vào Sài Gòn lập nghiệp, không biết vì may mắn hay do năng lực bản thân mà họ ăn nên làm ra, rồi về quê kéo theo phần lớn thanh niên nam nữ cũng bỏ quê vào mưu sinh ở đất Sài Thành. Gia đình nào có con cái đi làm xa thì ít nhiều cuộc sống khấm khá hơn, những ngôi nhà xây kiên cố dần mọc lên và phương tiện xe cộ ngày càng nhiều. Đường làng bây giờ đã là đường bê tông, đường nhựa phẳng lỳ không còn đường đất đầy bụi bặm như xưa nữa. Nhà nào bây giờ cũng có đầy đủ phương tiện, tivi, tủ lạnh, bộ dàn karaoke thích xem tivi lúc nào thì xem, thích hát lúc nào thì hát. Nhà nào khá hơn thì xây tường, xây hàng rào khoá kín như nhà ở phố.

Không biết tôi nên buồn hay nên vui khi quê nhà thay da đổi thịt cả nghĩa đen lẫnn ghĩa bóng. Đã từ bao giờ không rõ con người ở quê tôi họ lại sống theo "kiểu đô thị hoá" đến nổi tôi cũng không thể ngờ nữa. Họ sống dần xa nhau và còn ganh tỵ, ghen ghét nhau nữa nhau nữa, tuy bên ngoài họ không nói ra nhưng trong thâm tâm họ đố kị nhau, thấy người nào trong xóm sắm được chiếc xe đẹp, xây nhà to thì họ dèm pha nhau đủ điều, tôi không nói quá lên nhưng thật sự tôi cũng nghe nhiều. Tôi nhớ có lần trong xóm tôi có người mua chiếc xe máy thì một tuần sau nhà bên cạnh cũng đem về một chiếc có màu sơn kiểu dáng như vậy. Không biết từ khi nào con người ở quê tôi lại hơn thua kiểu trẻ con như vậy nữa?

Tôi biết là trong cuộc sống, trong kinh doanh phải có cạnh tranh thì con người mới tiến bộ, phát triển được nhưng có cần phải ganh ghét nhau, ganh đua nhau như thế không? Bây giờ những buổi trò chuyện xóm làng với nhau ở quê tôi là chuyện " xưa rồi Diễm ơi" gặp nhau ngoài đường thì họ cười xả giao với nhau một cách lạnh nhạt xem mà gượng gạo lắm, ấy là còn may mắn đối với những người gần nhà nhau. Những buổi chiều mát trời, có một vài đứa trẻ trong xóm qua nhà tôi chơi thì một lát sau mẹ nó cầm roi qua rồi, tôi không hiểu tại sao nữa ??? Những lần đi học xa về, có nhiều lần tôi muốn sang nhà hàng xóm chơi mà cứ thấy nhà ấy khoá cổng hoài không biết họ đi đâu khỏi hay trong nhà có gì quý giá sợ người khác vào nhìn thấy nữa. Những chuyện này xảy ra ở thành phố là chuyện thường nhưng ở nông thôn thì cũng hơi lạ. Phải chăng ở nông thôn hiện nay đang "thành phố hoá" chăng ?

Phải chăng thế kỉ 21 là vậy, thiên niên kỉ mới là vậy, tôi không biết thế hệ tương lại sẽ vô cảm đến đâu khi mà cha anh chúng đang dần "vô cảm hoá" như vậy? Đời sống vật chất cũng quan trọng, nhưng tình làng nghĩa xóm, tình người với người cũng không thể thiếu cho dù xã hội có tiến bộ đến đâu đi chăng nữa.

Sau nhiều năm xa nhà, giờ đây tôi đang đứng trên mảnh đất quê hương, đang nhìn trời chuyển mưa, đang thèm cảnh tắm mưa như trước nhưng lại không thể, không thể vì không thể bước ra ngoài như lúc nhỏ mà là không thể tìm lại cảm giác của ngày xưa. Trẻ con bây giờ cũng không giống như trẻ con ngày xưa nữa rồi, chúng nó sung sướng hơn nhưng không thể có được cái mà chúng tôi đã từng có. Đến đây tôi chợt nhớ bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đinh Liên nó có gì đó giống như hoàn cảnh của ông ta vậy luôn hoài niệm, tiếc nuối những người muôn năm cũ. Còn tôi, tôi tiếc nuối và thương cho những đứa trẻ quê tôi chúng nó không có tuổi thơ vui vẻ như chúng tôi khi xưa.

Nguyên Ân

↑↑ Lượt xem: 74
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617