Old school Easter eggs.
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Tản Mạn
↓↓

Chuyện của người 24 rưỡi

14-06-2016
A
A
A
A

Họ bắt đầu mông lung và lại đặt về câu hỏi muôn thuở vậy rốt cục mình thích cái gì, mình thích làm gì, đâu mới là đam mê của mình. 

***

Thực ra thì theo cách tính của các cụ nhà ta, kèm theo tuổi mụ đại thể là 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ thì ở cái ngữ này có thể gọi là 25. Tức là những chúng ta, những cô gái chàng trai đầu Dê, đuôi Mùi hoặc có thể lai tạp thêm cái gì đó đã được xếp vào dạng 25. 25 là dạng trưởng thành được rồi. 25 có thể lấy chồng được rồi. 25 có thể bắt đầu nuôi bố mẹ được rồi. Còn nhiều cái được rồi lắm, kể sao cho hết nên thôi đành gói lại đến vậy.



Tuy nhiên sự thực lại có những người đã 25 ( theo cách tính toán tuổi tác thông thường) nhưng vẫn chưa muốn hay chưa dám nhận mình đã từng ấy tuổi. Vì 25 nghĩa là phải lớn lắ, phải làm được việc rồi, phải có công ăn việc làm ổn định, phải đã tự lập. Không mở được cửa hàng kinh doanh to đùng thì chí ít cũng thò được 1 chân vào cơ quan hay công ty nào đó. Đại thể là 25 thì nên dừng xin tiền bố mẹ. Ở cái tuổi ấy mà mỗi tháng vẫn ngửa tay nhận trợ cấp từ thầy bu thì ắt phải xấu hổ lắm.

Nhưng… ừ thì lại nhưng… bài viết này lại dành cho những người thuộc diện đang thấy xấu hổ trên. Nghĩa là vẫn đang chới với giữa khái niệm tự lập. Người 25 chưa tự lập được nên không dám nhận mình ở tuổi 25. Thôi thì cứ gọi mình ở mốc 24,5, ít ra nó còn có số 24 phía trước. Còn ai muốn trẻ nữa thì trả lời năm nay em mới tròn 2 con giáp, mới 24 chứ mấy. Xét ra theo đúng độ tuổi đi học đại học 4 năm thì em nó mới ra trường được hơn 1 năm chứ mấy, chẳng nhiều nhặn, kinh nghiệm chẳng dày, lí lịch cũng chẳng phải kê khai dài gì cho cam. Mà ai về nhà với bố mẹ thì cũng bõ công 4 năm xa gia đình giờ về chăm sóc thầy u.

Còn việc á? Thì cháu nó vẫn đang chờ suất chỗ nọ chỗ kia. Nhà cũng đang tính xin cho cháu vào cơ quan kia, cơ quan kìa song ngặt nỗi cái ông bác họ xa thời gian này đau bụng tiêu hóa không nổi cục tiền nhà cháu gửi vào nên thành thử cháu nó hẵng còn ở nhà. Đấy là chuyện của những người thuộc hàng có dây mơ rễ má với cái gọi là COCC ( con ông cháu cha). Còn những người nằm trong diện con ông cháu cha hẳn thì đã là chuyện khác. Còn có người mối quan hệ kiểu đấy cứ xa xa, vốn cũng chả đủ lo cho nổi 1 suất đặc biệt cho nên thôi thì học bao năm vất vả hẵng ở nhà cái đã con ạ.

Nếu không được thì học lên. Tuổi trẻ mà thiếu cái gì cái phải học. Trường lớp mở ra ngày càng nhiều ,lúc nào cũng trong tinh thần chào đón các cựu sinh viên. Học ngoại ngữ này, dù tiếng Anh mài mòn mông trên ghế hơn chục năm mà vẫn lè nhè không thể nói nổi đoạn hội thoại cơ bản. Cái người đang viết những dòng này là đối tượng tiêu biểu. Cho nên phải học. Chúng mình luôn là người tôn trọng quan niệm “Học, học nữa học mãi” một cách tuyệt đối nhất mà. Không tiếng Anh thì ta bắt đầu cày sang tiếng Trung, tiếng Nhật. Đất nước thời mở cửa, hội nhập sâu, hội nhập rộng, về quê chỉ thấy người Trung Quốc đến ngày mỗi nhiều. Học để lấy tấm bằng, để lấy cái chứng chỉ xì xọt được dăm 3 câu long tong về thử vận may ứng tuyển làm phiên dịch cho các công ty nước ngoài xem sao. Biết đâu đỗ, thế là có việc, lương cao. Đời cứ bay bay, tại sao phải dập tắt tình yêu tiền bạc và nghề nghiệp lại.

Và có những người kiên trì ở lại thành phố để lập nghiệp. Nghe cái chữ lập nghiệp cao xa quá thể, nhưng cốt chỉ để tấm bằng không mốc meo sau 4 năm trầy trượt. Cũng chả phải thành phố quyến rũ gì cho cam đâu. Tháng tháng nhận mật lệnh từ chủ nhà trọ, ốm méo mặt thì nằm còng queo 1 góc, cứ ra đường là tắc đường với chen lấn và chửi thề. Cũng vui mà đắng lắm. Nhưng về quê cảm thấy khó có cửa nên thôi đã cố thì cố nốt. Trầy trật làm rồi bỏ, bỏ rồi làm, nhưng cuối tháng đồng lương chưa nuôi nổi cái miệng. Có người cũng đi làm đây đó, cũng làm nghề nọ, nghề kia đấy. Nhưng giờ ở cái mốc giáp ranh với 25 thì lại quay về tình trạng thất nghiệp.

Là do công ty thay đổi cơ cấu nhân sự bị cho ra vì không có cứu cánh trong cùng cơ quan. Có. Là do chán việc mà bỏ. Có. Là do làm cực lương thấp bỏ. Có. Rồi có n lý do nữa. Ừ thì ai bảo trẻ, chả chịu nổi áp lực nên bị out là phải, trách chi ai nữa hỡi con. Chỉ có điều cứ mỗi ngày ở thành phố, tiền hổng có chảy vào mà toàn chảy ngược ra ngoài. Cho nên vay mượn, vá víu ở đâu cuối cùng cũng phải gọi về cho ba má.

Vậy là ở ngưỡng 24 tuổi rưỡi lại có những kẻ vẫn bị xếp vào diện thất nghiệp. Những kẻ đấy lang thang đi đâu, lang thang làm gì. Rốt cục chỉ có những kẻ đấy mới biết. Và thậm chí họ cũng không biết họ đang làm những gì.

Cứ bảo mình không có đam mê đi. Hỏi thế thì đời còn cái gì đáng sống. Cứ nói là mình đang đi tìm đi. Nhưng tìm mãi, tìm hoài mà càng đi càng thấy lạc, cái chân cứ ngắc ngứ thì biết làm gì. Cái gì cũng cảm giác thích nửa vời, hôm nay thèm mai chán. Cái người ở tuổi đấy cũng lạ, chân cứ loanh quanh muốn đi mà không biết đi đâu. Để cuối cùng về úp mặt vài cái màn hình laptop và smartphone rồi nhìn đời, nhìn người để ngẫm và nghĩ. Cốt yếu là cảm giác ngẫm đã lâu, nghĩ đủ sâu nhưng ráo trọi chả ra được cái triết lý khỉ mốc gì. Thế nên người 24,5 tuổi lắm lúc tự thấy nổi giận với chính mình.

Nửa tuổi có thể là dài cũng có thể là ngắn. Bước thật chậm dù có hụt hơi và đến sau người khác nhưng đằng nào rồi cũng đến được đích. Hơn 24 tuổi và gần cái tuổi 25. Nếu sống trọn 100 mà xem chừng là khó thì 25 tuổi đã được tính vào ¼ đời người. Vốn ta sinh ra đã phải chiến đấu, từ cái thời còn ở dạng con nòng nọc đấu tranh cho ra được thành hình hài và cuối cùng ra một con người hoàn chỉnh. Tới khi có bạn phải tranh giành đồ chơi, giành chỗ ngồi không nó chiếm mất. Tới khi đi học giành với các đối thủ để vào trường nọ, trường kia. Chẳng phải cứ hằng năm vào dịp thi đại học các trường lại công bố tỷ lệ chọi đấy ư. Chưa kể ra đời giành giật với bao nhiêu hồ sơ, CV để có một chỗ làm ở đâu đó. Cuộc đời cứ tiếp diễn, mỗi chúng ta đều phải lớn lên. Cái khoảng cách từ 24,5 để đến 25 là vô cùng tận. Rất gần mà cũng rất xa. Cái tuổi này chưa tìm thấy đam mê chẳng phải thực sự to tát. Mà điều to tát hơn ấy là khi chúng ta dừng lại, ngừng tìm kiếm, ngừng chuyển động và đứng lên. Có nghĩa rằng lúc đấy bạn thực sự đóng băng ở độ tuổi 24 rưỡi.

Người ta chỉ lớn khi người ta thực sự sẵn sàng và tiếp tục bước đi.

↑↑ Lượt xem: 20
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617