The Soda Pop
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Cuộc sống
↓↓

Tuổi trẻ, chẳng phải là lúc để người ta sai lầm hay sao?

14-06-2016
A
A
A
A

Gã, 22 tuổi, tốt nghiệp đại học.

Phải nói thế nào về gã? Một kẻ suy tư, hẳn là bạn bè nào của gã cũng miêu tả về gã như vậy nếu chỉ trong 5 từ miêu tả về gã. Một kẻ thất thường – gã hay tự nhận là như vậy.

***



Hiện trạng của gã, lại rơi vào một mô thức chung của những tay cựu sinh – những cử nhân đại học vừa bị cuộc sống kéo ra khỏi thời kì bao cấp, mà cũng đúng thôi, 22 tuổi, tay nào chả vậy. Duy có một điểm gã khác phần đông những kẻ 22 còn lại, là suy tư và trăn trở của gã. Ngay từ những năm cuối cấp trung học phổ thông, trong khi bạn bè hoặc do định hướng gia đình, hoặc nhắm mắt đưa chân, hoặc ghi tên trường vì thích thì gã đã có những toan tính cho đời gã, vậy mà giờ gã lại thấy chơi vơi – một chiến lược chơi vơi. Những năm đại học, trong khi bạn bè hoặc là hùng hục lao vào cày cuốc như trâu mộng ( dù là game hay giáo trình, ngoại ngữ) vì mới thoát khỏi lao tù quản chế trung học, thì gã cứ có một vẻ thong dong nhẩn nha, khi gã học chỗ này một tí, khi thì làm chỗ kia một tẹo. Gã cũng học, cũng chơi, nhưng ai đứng hoàn toàn ngoài những cuộc ấy, thì mới thực thấy gã chẳng trọng, chẳng thú với cuộc nào, mà đúng là gã cũng không bao giờ bị cuốn theo những thứ ấy. Có những năm, những kỳ của tuổi trẻ, người ta nhao nhao xách xe chạy lên rừng, lao xuống biển, hùng hục chạy ngược đâm xuôi, kỳ nào nở hoa gì, mùa cỏ gì, ba cực bốn đỉnh đèo là nhất định phải đến, phải qua, phải có vài dòng caption cộng thêm với cái mặt cười toe, hoặc 2 ngón tạo hình chữ vê, hoặc giơ cả hai tay thành biểu tượng của Yahoo tím mơ tím mộng ngày xưa. Gã lầm lũi, có đi, có đến, có ngắm nhìn núi non và hít sương đêm, nhưng là dáng đi của một con thú lạc bầy. Chẳng hiểu sao, gã lại thấy thoải mái với việc đó – cái việc lạc bầy đó. Xuống biển, về rừng đều làm gã thấy thoải mái hơn cái không khí ngột ngạt chen chúc của thành phố; nhưng rồi chẳng bao lâu, gã lại thấy nhớ người, thậm chí là nhớ da diết như tay kĩ sư khí tượng của Lặng Lẽ Sa Pa, gã nghĩ gã cũng thèm đến độ lăn cây ra giữa đường mà kiếm người mất. Gã cũng hiểu cái thứ cảm xúc thất thường và chông chênh của mình, nên độ nào thấy cuồng chân nhớ rừng là gã đi, nhưng dăm bẩy ngày gã lại về phố ngay chứ không ở lâu, gã biết mình không chịu được. Lẽ tất nhiên là thế.

Ấy, là cái thứ cảm xúc chông chênh và dễ bị đẩy về một thái cực như vậy, nó giải thích cho cái sự vui vẻ vô cùng của gã khi ở giữa đồng bạn mà có thể ngay lập tức chìm sâu vào thinh lặng một vài giờ sau đó. Gã – một cách không tưởng nhất – thường được đồng bạn nhìn nhận như là một kẻ hài hước có khiếu, thậm chí ở những nhóm bạn nhỏ gần gũi, gã là tay đưa trò, làm chuyện và dẫn dắt tiếng cười cả nhóm. Nhưng cũng chính gã – trong chính những suy nghĩ xác tín nhất của gã – là một tay cực kỳ nghiêm nghị và luôn soi vào những thứ giá trị trừu tượng to lớn mà thường những kẻ đồng niên tặc lưỡi bỏ qua, những suy tưởng mà gã thường kiếm tìm câu trả lời trong suốt khoảng thời gian dài, như là, ý nghĩa của cuộc sống, tình bạn chân chính, tình yêu đích thực, về cơ bản là ý nghĩa của mọi hành động và suy nghĩ mà bạn bè gã đang làm. Gã đích thực là kẻ lao đầu vào những câu hỏi hóc búa đầy khí chất của một bậc trượng phu thường thấy trong phim cổ trang kiếm hiệp. Hiếm ai có thể hoàn toàn tin tưởng vào những tính cách này lại có thể tồn tại trong cùng một con người, một gã trai 22.

Ấy, cũng dễ hiểu khi anh em bạn bè, rất nhiều người bằng tuổi, thậm chí hơn tuổi gọi gã là anh. Những tay 22 biết gã từ lâu thì vì những cái sự suy tư về cuộc sống, cách nói trầm tĩnh và mang góc nhìn từng trải của gã mà gọi gã là anh. Còn những tay 22 mới quen gã, thì vì cái điệu bộ và độ nhăn của da mặt gã cũng rất hợp với cái lối suy tư thủng thẳng mà chiêm nghiệm của gã, nên cũng gọi gã là anh nốt. Còn chính gã, cũng thấy bọn đồng trang cùng lứa kia, rặt một màu non và xanh. Vậy là gã đang tự phụ và có nghĩa là đang hành động như một kẻ non và xanh; hay gã đúng là đang thấu lũ kia dưới ánh nhìn của một kẻ thường được tôn làm trưởng bối. Đây đúng là một thứ lập luận tự vấn gã vẫn thường dùng để làm tiêu hao năng lượng của bộ não. Gã đúng là một kẻ mang lại những cảm nhận đối lập hoàn toàn cho tất cả những người từng quen biết gã đủ lâu và đủ sâu; những cảm nhận đó thật quá thường tình, vì chính bản thân gã, rất nhiều khi còn sửng sốt trước những thứ cảm xúc đối lập nảy sinh trong gã suốt rất nhiều năm qua, năm nay, gã vừa tròn 22.

Quay lại cái bẫy chung của những tay 22 mà, giống như đồng bạn, gã cũng đã rơi vào. Cái bẫy tốt nghiệp đại học. Người ta thường nhìn nhận việc học đại học – phần lớn phải sống xa nhà, tiếp xúc nhiều thứ mới mẻ, môi trường khác lạ là một thứ nguy cơ tiềm ẩn rủi ro – là một thứ cạm bẫy ẩn mình. Còn gã, thì, và đương nhiên là, với tư duy của mình nhận thấy cái bẫy sập lớn vô hình lao đến mỗi kẻ 22. Mà để mô tả hình dạng của cái bẫy này thì nó giống hoàn hảo với hình một chiếc quan tài – bất kỳ chiếc quan tài nào mà người ta thấy hay ấn tượng về. Từng ngày, cái thứ bẫy quan tài vô hình này lại dịch đến gần những con cừu 22 vừa mới bị - cũng chính là thời gian – lôi xềnh xệch từ vòng rào chăn dắt của trường đại học, quăng ra vùng không gian vô định được gọi là trường đời. Thật vậy, chẳng phải người ta vẫn thường trích dẫn từ một tay nào đó " Hầu hết người ta chết khi 25 tuổi, nhưng khi 75 tuổi mới được chôn" hay sao? Tầm phào, chúng chết từ khi 22 rồi.

Vậy là, gã, với cái kiểu suy tư lập dị của mình, gã thấy rõ mồn một cái thứ quan tài mà chẳng cần gã nhón thêm bước nào, thời gian sẽ lôi tụt gã vào đó. Vậy nên, gần đây gã cứ có một thứ tâm trạng chết tiệt, một kiểu cảm xúc mà hẳn là người già gần đất xa trời, thấy tử thần đã lởn vởn dạo quanh sẽ đồng cảm với gã nhất khi này. Gã, do đã tri thấu những căn bệnh tuổi trẻ được sắp đặt từ cuộc sống – giống như người già biết được bệnh tật của mình – đã chạy vạy đi vái tứ phương. Gã làm nhiều thứ, khá nhiều so với những kẻ chỉ biết rong chơi, những cuộc thi, khóa đào tạo, huấn luyện gã cũng đã nghĩ mình kinh qua đủ. Gã chơi nhiều nhóm, khá nhiều so với những con mọt sách, những hội nhóm, trại hè gã góp mặt cũng không ít. Gã đi nhiều và trải nghiệm nhiều, không thể gọi là dân phượt, nhưng quả là gã đã đi, đến và trải những chốn hoang sơ trên đất này. Gã cũng làm, có những khi làm mải miết, kiếm được, kiếm đủ trang trải cho cuộc dạo chơi lững thững của gã trong lúc gã – cũng như đồng bạn – học đại. Giờ gã đã bước qua lằn ranh Tốt nghiệp, gã hoang mang...

Gã chưa thực lòng đọc "Sống mòn", nhưng đại ý của chuyện thì gã biết, mà cái tên của chuyện cũng đã hoàn thiện ý nghĩa mà hiện trạng của gã đang va phải lúc này. Gã thậm chí còn tưởng tượng thấy mình đã nằm trong cái quan tài vô hình kia, còn cái nắp chỉ chực chờ gã hoàn toàn mất ý chí là đổ sập xuống. Gã hoang mang về định mệnh cuộc đời gã, trong khi bạn bè thì lo hết chứng chỉ nọ lại canh dè công ty đơn vị mở hòm thư mà lao vào dúi ngay cái CV. Loay hoay cả bốn năm gã chưa tìm ra cái thứ ý nghĩa cuộc đời, tình yêu của gã. Vậy đấy, 22 thực là một con số cực kì khó chịu và nên được gọi là số tử thần, chứ không phải là con số 13. Gã cứ như vậy, ngồi lặng lẽ nhìn lưỡi hái thời gian chuẩn bị cắt đứt "nhiệt huyết", " tuổi trẻ", "tinh thần" khỏi mình để biến gã thành một cái thây ma di động đợi đến ngày 75 tuổi để hạ thổ.

Là vì chưa sống đủ sâu? Là gã chưa yêu đủ say? Hiện tại, gã chỉ có thể đổ lỗi cho mình như vậy, ngày mai, có lẽ gã cũng sẽ lao vào hối hả, để tìm lấy men say sống, men say yêu. Bởi chợt gã nhận ra mình đã sống quá hời hợt, bởi gã sợ sai lầm. Mà tuổi trẻ chẳng phải là lúc để người ta sai lầm hay sao?

 

↑↑ Lượt xem: 126
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617