Ông ba Bơ vác cái cây ra rượt bọn tôi chạy bán sống bán chết. Ông ta nổi tiếng khó tính ở cái xóm này. Chúng tôi bị rượt nên chạy một mạch về nhà.
Mùa trăng nào cũng vậy, chúng tôi tụ tập chơi hết ở giữa xóm, rồi ra xóm trước, đi lên sông có cây cầu tre . Chúng tôi kéo khoảng hai mươi đứa đi lên cây cầu tre bắc ngang qua nối liền hai thôn và hai xã. Chúng tôi thôn dưới lên cầu thách đấu với thôn trên. Người của hai thôn đứng ở hai đầu cầu chỉ để cãi nhau " tụi bay nhát ké, không dám tới đây đánh với tụi tao, đồ nhát ké" . Cứ vậy mà la, hét inh ỏi. Chúng tôi nhảy rầm rầm trên chiếc cầu tre làm ông Hai canh cầu xách cây đuổi chúng tôi chạy tán loạn. Lại mùa trăng khác chúng tôi lên sân bóng đá chơi giật cờ. Cái sân này quá rộng nên chúng tôi dù có hét khản giọng cũng chẳng ai thèm ngó ngàng gì. Cũng giống như những trò khác, trò này cũng phải chia phe để chơi. Tất nhiên tôi theo phe chị hai tôi rồi và anh Vinh nữa. Vì tôi thích anh Vinh mà, anh ấy là một người anh tốt , tôi chỉ biết là tôi thích anh ấy phe của mình, vậy thôi. Chia phe xong đến giờ bắt cặp để giữ và giật cờ. Tôi giữ , thằng Toàn giật. Nó nhá nhá cái chân rồi nhanh tay cướp cây cờ trên ụ cát ba chân bốn cẳng chuồn về phía phe nó, nhưng sao tôi có thể dễ dàng để nó cướp cờ một cách trắng trợn vậy được. Nó bị tôi đuổi theo đụng vào người thế là nó thua. Chắc nó ấm ức lắm vì khi đụng nó tôi đã làm nó ngã chỏng quèo, tôi cũng vậy mà . Hai đầu gối bị trượt trên cỏ nên rướm máu. Tôi với nó vốn học chung một lớp nên sáng hôm sau đi học nó không thèm chờ tôi vì tối làm nó té, rõ trẻ con chỉ được cái thù giặc cùn.
Đang mải đuổi về miền kí ức tươi đẹp , bỗng có giọng của một người phụ nữ nghe quen quen vang vọng bên tai.
- Bé Lâm!
Tôi giật mình, ngoái đầu lại phía sau thấy cô Hoa đang đi tới với nụ cười trên môi, tôi đáp lại lời cô:
- Dạ con chào cô Hoa! Cô đi thả bò ạ?
- Như chờ câu hỏi của tôi, cô trả lời ngay
- Ừ, cô cho nó ăn cỏ ở đây một lát rồi cho nó lên sông tắm, con về khi nào , sao lại ngồi một mình ở đây?
- Dạ con về lúc sáng nay thôi, con lên đây ngồi chơi vì trời mát quá! Ở thành phố lâu nhớ không khí ở quê cô à. Tôi trả lời cô.
Cô Hoa là người trong xóm sau của tôi, từ khi tôi là một đứa trẻ lớp một, lớp hai cô Hoa đã đi thả bò ở đây rồi. Tôi thường lên đây chơi với lấy phân bò và cô Hoa thường xuyên nhéo má tôi, vừa nhéo cô vừa nói " trời ơi, sao mà con trắng quá vậy chứ!" . Không chỉ có cô Hoa, hễ ai trong xóm thấy tôi cũng nhéo đỏ hết cái má của tôi lên mới chịu. Chả là lúc nhỏ, tôi có một làn da trắng hồng, min màng với cái đầu tóc màu vàng hoe nên ai thấy cũng nựng cho đã tay, nhân tiện nghiến răng ken két cho đủ bộ khi nựng. Tôi ngồi nói chuyện với cô Hoa một lát trời cũng trải vàng ươm trên sân bóng và trên khắp cánh đồng nên tôi xin phép về trước. Cũng cùng lúc đó, nhiều người trong xóm đang thả những con bò đi chậm rãi trên con đường nhỏ tiến về phía sân bóng. Họ với tôi gặp nhau chào, hỏi rôm rả theo đúng điệu quê tôi.
Lần này tôi có mười ngày ở nhà, tha hồ mà đi hết tất cả những chỗ cũ đã từng gắn bó với tôi . Hôm nay đã là ngày thứ ba , hai ngày trước vì tôi mới về nên phải đi thăm bà con, cô, bác. Ngày thứ ba, tôi đi bộ lên trường tiểu học hồi tôi học lớp năm ở đây. Nó vẫn vậy, ngôi trường này nó đặc biệt lắm chỉ có hai lớp học . Buổi sáng lớp năm với lớp một, buổi chiều lớp hai với lớp ba, lớp bốn đi đến trường chính để học, nơi này là phân hiệu của trường chính. Hôm nay là chủ nhật nên học sinh không đi học, trường lại không khóa nên tôi đẩy cửa vào. Mọi thứ có cũ một chút, nhiều năm nay người ta vẫn thường xuyên trang trí lại cho nó mới mẻ, có lẽ gần đây người ta chưa quét vôi cho trường. Tôi rảo bước một vòng cái lớp năm ngày nào. Kìa, chỗ ngồi của tôi là đầu bàn dãy thứ năm nhìn từ bảng xuống phía bên phải. Tôi đến bên bàn, ngồi xuống đúng chỗ của mình rồi nhìn lên bảng, nhìn xuống mặt bàn. "Có chữ Lâm và Cường nè" tôi reo lên với giọng hân hoan. Bất giác tôi đưa tay sờ vào chỗ ngồi của Cường. Thằng Cường ngày xưa ngồi bên trái tôi và là mối tình đầu của tôi. Chỉ mới lớp năm nhưng tôi có vẻ thích Cường hơn các bạn khác và tôi cũng cảm nhận từ Cường cũng như vậy. Chúng tôi trao đổi học tập và thường chơi các trò chơi cùng nhau. Cường là một người vui tính, thông minh, lanh lợi thường xuyên giúp tôi chép bài và chỉ các bạn khác học. Cường có một người chị hơn một tuổi học cùng lớp chúng tôi. Tôi thân với cả hai chị em và cũng thường xuyên đến nhà của chúng chơi, ngược lại chúng cũng thường đến nhà tôi chơi mỗi khi được nghỉ học.
- Đưa đây tui xách cho Lâm! Cường nói:
- Nè, nặng lắm đó. Tôi đưa cái cặp của mình cho Cường
Tụi thằng Xin, thằng Công cười ồ lên rồi chọc bọn tôi. Tôi đuổi hai đứa nó chạy dọc trên con đê khi chúng tôi đi học về.
Thằng Cường cười tủm tỉm.
- Ê, làm gì cười? Tôi hỏi nó
Nó cười để cái lúm đồng tiền duyên trên má làm tôi xao xuyến.
- Hồi nãy thấy bà đuổi hai thằng đó mắc cười lắm, tui sợ bà chạy lún đất. Thằng Cường luôn gọi tôi là bà chứ không gọi tôi là mầy tao như mọi đứa khác.
Tôi đánh một cái " thùm" sau lưng thằng Cường làm nó kêu oai oái lên. Tiếng con Trương - chị thằng Cường cười hố hố " đáng đời mầy thằng kia, dám chọc lớp trưởng hả mầy?" con Trương mỉa mai thằng Cường.
Mỗi lần đi học về chúng tôi cười, giỡn ầm trời cả lên. Những người đi xe đạp trên con đê luôn mắng chúng tôi nhưng đâu cũng vào đấy.
Tôi rời chỗ ngồi của mình, đi ra hè. Cái hè này ngày xưa in dấu nhiều cái mông khi ngồi chơi ô ăn quan, chuyền nẻ, bắn thun của bọn con gái. Con trai thì bắn bi. Còn cái sân thì in dấu chân của chúng tôi khi chơi nhảy dây, chơi năm mười, giật cờ, u quạ...Biết bao nhiêu kỉ niệm cứ ùa về, mọi thứ như vừa đâu đây khi tôi đi đâu trong ngôi trường này cũng là kỉ niệm quí báu. Tôi quay lại lớp, làn gió lướt qua ô cửa sổ tôi vừa mới mở mát rượi. Phía ngoài trường là cánh đồng đậu nành đang trong giai đoạn phát triển. Một màu xanh non trải rộng ra khắp cả một vùng làm cho không khí càng thêm tươi mát. Tôi ngồi xuống chiếc ghế của giáo viên. Ngày xưa thầy chủ nhiệm của chúng tôi là thầy Tín. Thầy rất yêu thương tôi với Cường vì chúng tôi ngoan và học giỏi. Tháng nào tôi cũng là học sinh giỏi, học kì và cả năm cũng vậy. Thầy thường động viên chúng tôi học tốt và luôn tận tụy với công việc giảng dạy của mình. Thầy hiền nhưng cũng nghiêm khắc, có mấy thằng quậy trong lớp bị phạt thẳng tay, thầy còn giao trách nhiệm giữ lớp cho tôi hễ ai nói chuyện, quậy phá, không thuộc, làm bài là đánh. Ngày xưa tôi cũng ít có ác lắm, mấy đứa quậy ngày nào cũng bị tôi đánh bằng cây thước của thầy,chắc chúng cũng ghét tôi như cái cách chúng không thích bị phạt mỗi khi có tội.
Những ngày tiếp theo tôi ở nhà phụ ba mẹ những việc vặt trong vườn, rồi nhân tiện đến thăm hàng xóm. Còn chỉ hai ngày nữa thôi phải trở lại thành phố để làm việc sau kỳ nghỉ ngơi, thư giãn. Chiều nay tôi lên sông để thăm một người đồng nghiệp cũ, nhà chị ở bến sông. Từ khi chị lấy chồng ở hẳn ở nhà để chăm con nên không đi làm nữa.
- Chị Linh. Tôi bước vào một quán nước ven sông gọi tên chị khi thấy chị đang lom khom pha nước cho khách
- Ủa Lâm, về khi nào vậy em? Chị linh hỏi tôi với giọng mừng rỡ.
- Dạ em về cũng được gần mươi ngày rồi chị. Anh Đức đâu rồi chị, ảnh còn lái xe không, bé Na đi học hả chị? Tôi hỏi một lèo
Tiếng chị Linh nghe xa xa vì chị phải bưng nước cho khách
- Ừ, anh Đức nghỉ lái xe lâu rồi em, tại xa quá nên ảnh ở nhà phụ chị bán quán. Còn bé Na đi học rồi, lát nữa anh Đức đi đón cháu. Em ở đây khi nào mới đi, định khi nào cho chị ăn bánh hồng nè? Chị Linh hỏi tôi, một câu hỏi cách đây khá lâu nhiều người vẫn hỏi.
- Ngày mốt em đi, còn chuyện chồng con là duyên nợ chị ơi! Tôi cười trừ.
Tiếng người khách át tiếng nói của chúng tôi " cho chai pepsi chị ơi!" . Chị Linh đi làm nước cho khách, tôi cũng chọn một chỗ có thể ngắm cả con sông này để ngồi, gió bên sông mát rượi , làm tôi mơ màng.
- Nội cõng con qua sông hả? Tôi hỏi nội:
- Ừ, con cầm dép cho nội đi! Nói rồi nội xắn ống quần lên trên đầu gối.
Tôi trèo lên lưng nội rồi nội chậm rãi tiến về phía bên kia sông, nơi có bụi tre rậm rạp che mát cả một vùng . Bên kia sông là nhà của ông bà cố - là ba mẹ của bà nội tôi. Bà nội mỗi tuần đều về chơi thăm cố, có lần nội cho tôi đi cùng, có khi không. Mỗi lần nội không cho đi, tôi đều nấp sau xó cửa khóc thầm , tôi đâu dám khóc to vì sợ ông nội đánh đòn. Ông nội nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc và là một người mẫu mực mà cả thôn, cả xóm nể phục.
Con sông này mùa hè thường ít nước, chỉ cạn trên đầu gối người lớn một xíu, vì tôi mới học lớp một, lớp hai nên không thể lội qua sông với lại tôi sợ lắm. Mỗi lần được nội cõng qua sông tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Trên lưng nội, tôi thấy mình được an toàn. Đó là mùa hè, còn mỗi mùa lũ lụt tháng chín, tháng mười nội ít khi cho tôi về cố cùng. Những lúc như vậy nội thường đi đò, có khi đi với chị hai, cũng có khi đi với ông nội. Khi nội không cho đi, tôi thường chạy lên sân bóng ngồi một mình để chờ nội về. Lần nào về nội cũng mang quà, bánh về cho tôi với chị hai. Hơn hết tôi muốn chờ nội, tôi là một đứa quấn nội từ tấm bé , hễ đi đâu một chút là thấy bứt rứt không chịu được.
......
- Chiều nay con ở nhà một mình nha, mẹ đi qua ông tám có việc.
Tiếng mẹ tôi từ trong bếp vọng ra
- Dạ. Mấy giờ mẹ về? Tôi hỏi mẹ:
- Chắc xâm xẩm tối.
Nói rồi mẹ tôi dắt chiếc xe đạp đi thẳng ra ngõ, tiếng sên xe nghe vang vọng bên tai.
Chiều mát khi mặt trời đã lùi hẳn về phía Tây, trên trời còn xót lại những tia sáng cuối cùng trong ngày.