The Soda Pop
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Gia đình
↓↓

Tình mẫu tử

14-06-2016
A
A
A
A

Tôi cứ ám ảnh mãi về cảnh một cháu gái mới 8 tuổi đầu đi chăm mẹ ở viện. Những cử chỉ, việc làm của cháu khiến cả phòng bệnh phải ngạc nhiên và xúc động, đã có nhiều bệnh nhân bật khóc khi chứng kiến những việc làm của cho mẹ.

***



Hè năm 2007, tôi vào viện chăm sóc vợ sau một tai nạn giao thông, hơn chục ngày nằm phòng cấp cứu vợ tôi được chuyển xuống phòng điều trị của khoa ngoại bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Phòng nằm trên tầng 2, lúc cao điểm bệnh nhân có thể lên tới chục người mỗi phòng, kèm theo cả người nhà bệnh nhân nữa, nên phòng điều trị luôn trong tình trạng quá tải, mọi diện tích trong phòng được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tận dụng một cách triệt để. Việc sắp xếp đồ đạc, hành lý, các vật dụng sinh hoạt đều được để rất gọn gàng, tránh sự bất tiện cho mọi người. Tuy thế cũng không tránh khỏi những va chạm nhỏ giữa những người nhà bệnh nhân và nhiều khi cả với nhân viên bệnh viện, bởi đến viện mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách... nên sự sô bồ, thiếu ý thức trong sinh hoạt là không tránh khỏi.

Là phòng điều trị của những bệnh nhân nặng nên người nào nhanh cũng phải hàng tuần, có người điều trị kéo dài đến hàng tháng, cùng cảnh ngộ nên mọi người dễ dàng cảm thông và nhanh chóng nhập vào nếp sống chung của phòng bệnh. Trong phòng tôi đặc biệt chú ý đến hai mẹ con người phụ nữ nằm cuối phòng. Đã 3 ngày liền mà tôi không thấy có ai đến thăm và thay cho cô bé và mọi người trong phòng cho tôi biết cháu mới 8 tuổi. Mẹ cháu bị tai nạn trong khi đang lao động, nhà ở một huyện vùng cao, chị được chuyển đến viện khi đã hôn mê nặng, đi theo chăm sóc chị chỉ có mỗi cô con gái nhỏ này. Bố cháu chỉ đưa hai mẹ con nhập viện rồi lại phải tất tả quay về nhà lo vay mượn tiền nong cho hai mẹ con nên không có ai thay cháu cả.

Chị nằm đây đã hơn một tháng mà bệnh tình thuyên giảm rất chậm, mọi sự sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, giắt rũ... đều một mình cháu lo, ban ngày đã vậy, đêm đến cháu cũng phải thức trông mẹ, nhiều đêm mất điện cháu ngồi quạt cho mẹ thâu đêm, khi mệt quá cháu gục xuống bên mẹ thiếp đi. Mỗi khi thay quần áo, làm vệ sinh cho mẹ thì càng tội nghiệp...Vì lẽ đó cả phòng đều rất quan tâm giúp đỡ hai mẹ con.

Nhìn dáng gầy gò của cô bé tôi biết để làm được mọi việc như vậy cháu đã nỗ lực hết sức và tôi hiểu ẩn sâu trong trong tâm hồn non trẻ kia là cả một tấm lòng yêu thương mẹ vô bờ bến của cháu với mẹ. Sức trai như tôi mà chỉ mới hơn chục ngày coi vợ tôi đã cảm thấy bã bời, huống hồ tấm thân bé nhỏ kia. Chính vì lẽ đó mà tôi thường quan tâm để ý tới cháu.

Lúc người bệnh ngủ, tôi lân la hỏi cháu tên gì, học lớp mấy? Thì cháu cho biết cháu tên là Ngọc Châu, hiện cháu mới học lớp 3, nhà neo người nên cháu phải đi nuôi mẹ một mình. Cháu bảo nhà cháu xa lắm nghe nói cách đây hơn 200 cây số, đi lại đường rừng rất khó khăn, nên từ khi mẹ nhập viện bố chỉ xuống được hai lần, lần đầu là khi đưa mẹ nhập viện, lần thứ hai cách đây nửa tháng bố vay tiền mang xuống cho hai mẹ con rồi lại vội vã về quê ngay, nhà cháu trên núi cao và nghèo lắm!

Điều làm tôi ngạc nhiên và vô cùng khâm phục là cháu rất biết cách chăm sóc mẹ, cháu là đứa trẻ giàu nghị lực và có cá tính mạnh mẽ. Sáng cháu dạy sớm theo mọi người đi lấy nước về lau rửa cho mẹ, xong cháu đi mua cháo về cho mẹ ăn. Mỗi lần cho mẹ ăn cháu cũng biết quấn khăn dưới cổ để cháo không vãi vào cổ, vào áo, khi mẹ không muốn ăn cháu thì thầm nói với mẹ những câu khiến mọi người trong phòng ai nghe thấy cũng xúc động, cháu thường nói: "Mẹ ơi! Mẹ cố ăn đi nào, bác sĩ bảo mẹ có chịu khó ăn thì mới mau khỏi, mẹ thương con, mẹ phải nghe con chứ! Chỉ nay mai thôi mẹ khỏi về nhà, con lại sẽ đi học, con sẽ học thật giỏi cho mẹ xem! Nhưng mẹ phải ăn đi đã! Mẹ hãy thương con và thương bố mẹ nhé!"... Cứ thế cháu khẽ khàng bón từng thìa cháo cho mẹ, đến khi xong, cháu lại cười vỗ về mẹ một cách vui vẻ: "Mẹ ơi thế là mẹ ăn xong rồi! Nhìn mẹ hôm nay xinh hơn hôm qua nhiều rồi! Con thương mẹ, mẹ uống nước nữa này!"...

Hình như những lời nói nhẹ nhàng mà thẫm đẫm tình mẫu tử ấy thật sự có tác dụng với người mẹ, vì tôi thấy dù chị ăn rất vất vả, bữa ăn của chị thường kéo dài đến cả tiếng đồng hồ nhưng lần nào cháu cũng bón hết được cho mẹ. Khi bác sĩ đến tiêm thuốc cháu thường nói : "Bác sỹ ơi! Xin bác sỹ nhẹ tay kẻo đau mẹ cháu!" Rồi cũng bắt chước mọi người, cháu cắt mỏng lát chanh để chườm lên chỗ tiêm cho mẹ. Cứ thế, ngày lại ngày cháu làm mọi việc với tình thương yêu mẹ vô bờ bến.

Một buổi trưa sau khi tôi cho vợ ăn, phía cuối phòng tôi thấy cháu cũng vừa cho mẹ ăn xong, tôi liền hỏi:

- Thế mẹ cháu hôm nay có ăn hết không? Cháu thấy mẹ cháu thế nào rồi?

- Dạ, mẹ cháu cũng chỉ ăn được như mọi hôm thôi bác ạ! Mẹ cháu nhận biết được nhiều thứ hơn rồi bác ạ!

-Thế cháu đã ăn cơm chưa? Mọi khi cháu ăn ở quán nào? Bác mới đến nên không rõ cháu dẫn bác đi cùng ăn được không?

Tôi nói thế cốt để cháu tự nhiên đi cùng. Thoáng chút lưỡng lự trên gương mặt ngây thơ của cháu, cháu cúi nhìn mẹ, nửa như muốn giúp tôi, nửa như ngần ngại vì bản thân, hiểu ý cháu, một cô nằm giường bên bảo:

- Đúng đấy bác ấy mới đến chưa quen cháu dẫn bác đi cùng, cả phòng cũng chỉ còn hai bác cháu chưa ăn thôi. Cháu cứ đi đi, mẹ đã có mọi người trông giúp đừng lo.

Chần chừ một lát rồi cháu cũng gật đầu đồng ý. Vừa đi cháu vừa nói với tôi như một người từng trải:

- Bác ơi !Ăn ở quán này sạch sẽ và giá rẻ hơn ở ngoài cổng bác ạ! Nhưng cháu bảo nhé, mình ăn bao nhiêu tự chọn lấy, chứ cứ gọi là bị người ta ép hàng, ép giá đấy!

Vừa bước vào quán cô chủ đã ân cần hỏi cháu:

- Thế nào sao hôm nay cháu đi ăn muộn thế? Mẹ có đỡ hơn không?

- Dạ, lúc nãy vừa mất điện, trời nóng quá nên cháu vừa quạt vừa bón cho mẹ nên chậm cô ạ! Mẹ cháu cũng khá hơn rồi!

Tôi nhìn tủ thức ăn định gọi các món thì cháu đã tự đi lấy bát đũa, cháu đưa tôi một cái bát và một đôi đũa rồi bảo:

- Đấy, bác thích ăn gì thì tự chọn, còn canh lấy sau.

Tôi ngăn cháu lại bảo:

- Bác biết rồi nhưng hôm nay cháu cho bác phá lệ một lần được không?

Cháu ngơ ngác nhìn tôi không hiểu, thấy vậy tôi giải thích:

- Nghĩa là hôm nay bác cháu mình cùng ăn, cháu để bác gọi thức ăn, cháu khỏi phải chọn được không?

Nghe vậy cháu vội lắc đầu dứt khoát:

- Không được, bác kệ cháu, bác thích ăn gì để cháu lấy cho, còn cháu thì quen rồi... cháu không có nhiều tiền ạ!

Câu cuối em nói nhỏ, mặt cúi xuống, mũi chân khẽ di di trên nền gạch. Tôi biết em đang khó xử trong tình huồng này nên tôi nói luôn:

- Cháu không phải lo, tiền bác sẽ trả, coi như là bữa cơm ta làm quen với nhau thôi mà, không đáng là bao, cháu đồng ý chứ?

Nghe vậy cháu giãy nảy, cương quyết từ chối:

- Không được, cháu ăn, cháu phải tự trả. Bố mẹ cháu vẫn dặn cháu không được làm phiền người khác, bác thông cảm.

Nói rồi cháu tiến lại quầy thức ăn chọn món. Biết không thể làm gì khác được, tôi vội theo cháu chọn thức ăn, cháu lấy gì, tôi lấy thế , hai bác cháu bê cơm canh đến bàn ngồi ăn. Nhìn bát cơm của tôi cháu ngạc nhiên hỏi:

- Bác bắt chước cháu à? Người lớn phải ăn nhiều mới khoẻ được chứ?

- Ồ bác cũng như cháu thôi, ta còn phải dành tiền chăm người ốm đúng không?

Cháu gật đầu cười, hai bác cháu ăn cơm, mỗi người có hai miếng đậu kho, một gắp rau muống sào, một bát con canh rau ngót. Bữa cơm đạm bạc ấy ám ảnh tôi mãi đến giờ, khi đó tôi thương cháu vô cùng mà không có cách gì giúp cháu. Lúc trả tiền cả hai bác cháu mỗi người chỉ hết vẻn vẹn 2 ngàn đồng! Tôi biết đã hơn một tháng nay cháu ăn uống như thế. Người bán cơm đã quen với những bữa ăn của cháu nên dù không bán được nhiều chị cũng không hề trách móc.Mọi việc sau đó cứ diễn ra như cũ. Vợ tôi nhẹ hơn nên sau một tháng thì được ra viện, còn mẹ cháu khi đó cũng đã phục hồi nhiều, chị đã nói được và đang tập đi. Vậy là cháu lại sớm tối dìu mẹ tập đi. Hôm chia tay hai mẹ con, tôi để lại tất cả những đồ dùng còn lại cho họ kèm theo 400 ngàn, tôi nói là biếu chị để thêm vào tiền viện phí. Chị xúc động lắm, còn Ngọc Châu thì cứ ngần ngại, cháu nằng nặc xin địa chỉ của tôi, hẹn khi nào mẹ khỏi cháu sẽ cùng mẹ đến thăm tôi.

Những ngày sáu đó, bận công việc khiến tôi quên ngay cô bé. Bẵng đi rất lâu, sáng đó 27 tết tôi đến trường và nhận được một giấy mời lĩnh tiền, tôi ngỡ ngàng không hiểu ai gửi tiền cho mình. Chiều về tôi đến bưu điện, chị bưu tá đưa cho tôi một tờ biên lai, kèm một bức thư, tôi vội mở ra xem, trong thư viết:

"Cháu là Ngọc Châu. Năm mới sắp đến cháu kính chúc gia đình bác mạnh khoẻ, hạnh phúc! Thưa bác! Thật là không phải với bác bởi mãi tới giờ gia đình cháu vẫn chưa đến thăm bác được vì gia đình cháu rất khó khăn, mẹ cháu hiện vẫn chưa thể làm việc được. Cháu xin gửi lại bác số tiền mà bác đã giúp mẹ cháu khi trước. Đây là số tiền cháu bán củi mà có! Cháu cảm ơn bác rất nhiều. Hy vọng khi nào lớn cháu sẽ đến thăm gia đình bác! Cháu Ngọc Châu."

Cầm bức thư trên tay hình ảnh của cô bé lại hiện lên trong tôi. Vậy là đã gần 4 năm mà cô bé vẫn âm thầm làm lụng để có được món tiền trả lại cho tôi, không biết tết này gia đình cháu ra sao? Tôi biết làm được những việc như em đã làm hẳn trong trái tim em phải có một tình thương yêu mẹ vô bờ bến. Tự nhiên nước mắt tôi bỗng trào rơi. Em quả là viên Ngọc Châu quý mà tôi gặp trên thế gian này!

Bùi Nhật Lai

 

↑↑ Lượt xem: 75
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617