Bố đứng trước tôi. Lặng lẽ. Đôi mắt ông chứa đựng những cái nhìn mệt mỏi. Tôi đưa tay đỡ chiếc vali cho bố. Tấm vé tốc hành tàu Thống Nhất nhàu nát rơi xuống nền đá hoa.- Cô ấy đi rồi! – Ông thốt lên giọng khó nhọc.
***
Bố tựa hẳn vào bờ vai nhỏ nhắn của tôi bước vào nhà. Cố gắng lắm tôi mới kìm được một đống những câu hỏi đang nhảy múa trong đầu.
- Bố đến muộn à?
- Không.
- Thế sao bố không đi cùng cô ấy.
Ông mỉm cười héo mắt nhìn tôi:
- Bố không thể!
Tôi nắm chặt tay bố, cố tìm những an ủi, nhằm xoa dịu nỗi đau trong lòng ông. Đỡ bố ngồi xuống chiếc ghế tựa, tôi đứng cạnh ông. Thoáng sững sờ! Người đàn ông với khuôn mặt hằn những dấu vết đè nặng của tháng năm này là bố tôi đấy ư? Một người đàn ông nhỏ bé trong sự nhẫn nhục câm nín.
Tôi lờ mờ cảm nhận hình như bố đã khác xa thật rồi với hình ảnh người đàn ông mà tôi hằng ngưỡng mộ.Ngoài khung cửa sổ, giọt nắng hanh hao cuối chiều tàn tạ lê mình trên xác lá bàng đỏ sẫm. Thời gian! Con người nào có ai chống chọi nổi với thời gian!
Suốt hai chục năm qua, tôi đã lớn lên trong nhữ ước mơ mỏng mảnh của riêng mình. Dường như con người luôn thèm khát có được sự hoàn hảo trong cài khập khiễng của cuộc sống. Ông trời công bằng nên ban phát đồng đều sự khổ đau và hạnh phúc xuống trần thế.
Tấm giấy mời cho xuất phim buổi tối nằm co ro trên mặt bàn. "Mẹ đi xem phim cùng bố nhé. Dễ phải chục năm rồi bố mẹ không đi xem phim ấy. Con nhớ ngày xưa mỗi lần cơ quan mẹ chiêu đãi xem chiếu bóng là bố lại lúi húi bơm xe. Mẹ phải nấu cơm từ sớm. Buổi tối bố mặc quân phục chở hai mè con mình ngồi sau oách ơi là oách...".
"Tối nay tôi phải đi lấy tiền". "Thôi mà mẹ, con mua vé rồi.". "Thôi? Thì lấy gì mà đổ vào mồm. Đem vé sang hàng xóm mà cho. Hết bao nhiêu tiền tôi trả". Tôi cúi mặt lặng im. Bố thở dài bước vào căn phòng riêng. Tiếng hát từ đĩa com-pắc vọng ra "Sông Lô...sóng dài kháng chiến...". Mẹ nhăn mặt: "Có gì thì nói thẳng ra. Thói ở đâu cứ vặn nhạc to điếc cả tai".
Trăng 16 huyền ảo lung linh lơ lửng trên nề trời đen thẳm, hương dạ lan thoang thoảng. Tôi đút tay vào túi áo. Bố đứng đối diện với tôi, ở giữa, khoảng không gian bỗng nhiên chùng lại.
- Con biết chuyện này lâu chưa?- ...- Con biết những gì?- Có lẽ là tất cả. Con hiểu cô ấy vừa là mối tình đầu của bố, vừa là bạn chiến đấu của bố khi xưa. Con biết cô ấy đã bị chồng ruồng bỏ từ 7 năm nay vì không có khả năng sinh con sau lần Mỹ rải bom hóa học ở Trường Sơn.- Con không trách bố? Giọng ông thoảng nhẹ. Nhẹ đến nỗi lẫn cả vào trong gió.- Khi một đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời tức là tạo hóa đã trao cho chúng quyền được sống. Nhưng người ta không thể sống nếu không có hạnh phúc. Mà hạnh phúc thì chỉ đơn giản là một cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó – một cuộc sống đúng như người ta mong muốn. Vậy thì chúng ta, giữa những con người với nhau hãy hy sinh một chút quyền lợi của mình để đem đến cho đồng loại của mình quyền được sống thoải mái.
- Tức là con muốn bố đi cùng cô ấy?
- Bố có quyền được lựa chọn. Vả lại bố và mẹ cũng ly thân 8 năm nay rồi.
Tôi quay mặt đi. Bàn tay ấm nóng của bố đặt nhẹ lên vai " Cảm ơn con!". Tiếng sỏi lạo xạo. Bước chân của bố vang lên đơn độc, xa dần rồi chìm lẫn vào đêm. Tôi ngồi bệt xuống sân. Òa khóc! Trăng vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Một nửa cuộc đời bố, bố khoác trên người bộ quân phục người lính hết ra bắc vào nam lại đánh đông dẹp tây. Ông bà nội chỉ có duy nhất một cậu con trai nên đã thu xếp cho bố lấy mẹ trong đợt nghỉ phép. Cả hai gặp nhau, rồi yêu nhau rồi cưới nhau chỉ vỏn vẹn trong một tuần.
Chiến tranh mà. Ngày ấy mọi thứ sao mà lại quá giản đơn đến thế. Một năm sau tôi được sinh ra giữa tiếng đạn bom của thời kỳ kháng chiến, Rồi tôi lớn lên dọc theo sự vất vả, cơ cực của mẹ. Khi tôi 5 tuổi thì hòa bình lặp lại, giải phóng Sài Gòn, bố trở về lành lặn như một phép tiên cùng chiếc ba lô nhăn nhúm bạc mầu đựng những tháng ngày vinh quang vượt Trường Sơn chống Mỹ.
Bố đánh giặc giỏi nhưng ngoài súng ống trận mạc thì công việc nào ông làm cũng vụng về. Cuộc sống khó khăn. Mẹ giã từ bảng đen, giã từ nghề dạy học xin về hưu non, tất bật ngược xuôi chèo chống cho cả gia đình. Kinh tế dần dần ổn định vị trí của bổ trong nhà cũng dần dần mờ nhạt đi.
Và từ lúc nào chẳng rõ, ông bỗng trở thành chiếc bóng lặng lẽ giữa nhịp sống quay cuồng của thời đại. Thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp trong mắt ông bừng lên tia sáng của niềm vui, của hy vọng mỗi khi ông có dịp gặp lại bạn chiến đấu rồi cùng ngồi bên chén rượu, củ lạc khề khà ôn chuyện "cái thời đánh Mỹ".
Sau mỗi lần như thế, tôi thèm khát vô cùng được nối liền những niềm vui nho nhỏ ấy của ông thành tia sáng dài bất tận. Tôi thèm khát được nhìn thấy ông lại sống với hình ảnh con người thật của ông: nhanh nhẹn, năng nổ, hoạt bát và trẻ trung.
Tôi đã quá quen với suy nghĩ bố là một chú bộ đội Cụ Hồ hiên ngang dũng cảm, con người từ ranh giới giữa sự sống, cái chết trở về mà những người như thế sẽ bất diệt với thời gian.
Tôi chậm rãi vuốt nhẹ chồng áo sơ mi đã được là cẩn thận rồi cất vào ngăn tủ.
- Bố đã đến sân ga trước giờ tàu chạy 15 phút - giọng bố vang lên đều đặn, không cảm xúc - Bố nhìn thấy cô ấy nhỏ bé, xa lạ trước sự tấp nập, náo nhiệt. Bố đã đứng rất lâu trong phòng đợi, cái nơi chỉ cách cô ấy cái tấm kính trong suốt.
Chỉ cần nhích lên một chút, chìa tấm vé cho người kiểm soát là bố có thể lên tàu, bình an ngồi cạnh cô ấy trong suốt chặng đường còn lại. Rồi bố và cô ấy sẽ đến một vùng đất mới, sẽ có một căn nhà nho nhỏ nhưng ấm cúng và giản dị. Đấy cũng là ước mơ của bố đấy thôi.
Nhưng không hiểu sao đôi chân của bố không cử động nổi. Có một cái gì đấy ngăn bố lại... Và bố chỉ còn biết nhìn theo cô ấy bước lên tàu, rồi tuyệt vọng chứng kiến đoàn tàu từ từ chuyển bánh.
- Ly rượu sóng sánh. Màu đỏ ối khúc xạ lên thành ly như đang dạo một vũ điệu không tên. Tôi mỉm cười hờ hững:
- Thật thảm thương cho ước mơ của hai bố con mình. Chúng đều bị gãy cánh trên con đường bay đến sự thật.
- Bố hiểu con nghĩ gì nhưng bố không thể. Khi người ta đã đi qua hai phần ba cuộc đời như bố, người ta rất ngại sự thay đổi dù rằng nó đem đến kết quả tốt hơn. Tâm lý người già mà con. Người ta đã quá mệt mỏi nên muốn được nghỉ ngơi và tránh sự xáo trộn...Bây giờ bố chỉ cần sự thanh thản.
- Bố đã bỏ lỡ cơ hội cuối cùng để nắm lấy hạnh phúc.
- Bố còn có con. Hơn nữa... mẹ con, suy cho cùng bà ấy cũng nào có lỗi gì đâu....Đèn trong nhà vụt sáng. Mẹ vứt chiếc túi xách tay xuống đi-văng:
- Ô hay! Sao hai bố con nhà ông cứ ung dung ngồi nhà thản nhiên như người dưng. Ngoài cửa hàng thì bận trăm công nghìn việc...
- Mẹ!
- Nào phải tôi kiếm tiền cho bản thân tôi đâu: cả đời cứ làm đầy tớ không công hầu hạ chồng con.
Bố đứng lên, ly rượu trong tay chỉ còn phân nửa. Thoáng lướt qua trên môi ông nụ cười lặng lẽ.Tôi bước ra ngoài sân. Sương giăng mờ. Thấp thoáng ngọn đèn vàng vọt trên ban công. Con người luôn mày mò trong khối sương mờ ảo ấy để tìm cho mình một con đường đi đến đích.
Người thì may mắn tìm ra người thì không. Có người thì không. Có người cuối đời mới biết bấy lâu nay đã mắc ở trong ngõ cụt. Muốn quay trở ra nhưng rồi lại không thể. Người ta không nỡ vứt bỏ những thứ vô ích đã gắn bó với mình.
Tôi hít thật sâu vào lồng ngực thứ sương khói ẩm ướt. Hơi lạnh lan tỏa khắp cơ thể. Tôi chợt nhận ra có lẽ tất cả đã quá muộn mất rồi. Thời gian đã pha mảng trắng lên mái đầu của bố, ban tặng cho ông những trách nhiện sự an phận và những mối ràng buộc linh tinh khác. Và bây thì tôi hiểu. Phải, cài màu trắng quái quỉ của thời gian đã vĩnh viễn đem đi những gì là năng nổ, hoạt bát của bố.
Tôi chợt cay đắng nhận ra rằng không một ai có thể nằm ngoài qui luật vận động của thời gian."Vâng! Bố đã già thật rồi!".
chuyện về bố (23)
cho những trái tim cô đơn (22)