Snack's 1967
2016.WapSite.Me

Kho Truyện Ngắn Cho Mọi Người

 Trang ChủTruyện ngắn Gia đình
↓↓

Lòng mẹ

14-06-2016
A
A
A
A

"A ru hời ơ hời ru

Mẹ thương con có hay chăng

Thương từ khi thai nghén trong lòng

Mấy nắng sớm chiều mưa ròng

Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng

A ru hời ơ hời ru"

Tôi bế trên tay đứa con của người bạn cũ, ầu ơ ru bé ngủ trong lòng mình. Lời ru đưa tôi về với miền ký ức thân yêu.

***



Khi tôi còn rất bé, tôi rất thích nghe mẹ tôi hát. Mẹ chỉ hát mỗi lần mẹ ru em tôi ngủ, hay những lúc mẹ ngồi sàng gạo. Khi mẹ sàng gạo, dáng vẻ của mẹ in đậm trong tâm trí tôi có sự nhàn nhã, ung dung, tự hào và hưởng thụ, bởi vì mẹ đang ngồi sàng lọc những hạt gạo do chính mình vất vả làm ra. Tôi hay ngồi cạnh mẹ xốc thẳng tay mình vào thúng gạo trắng ngần để những lớp cám gạo dính vào đôi tay mình rồi áp đôi tay vào má thật mịn màng, và tôi ngân nga hát nhẩm theo lời mẹ. Ngày đó tôi thuộc những đoạn nhạc không có tựa đề đến giờ tôi vẫn nhớ: "...em viết cho anh lá thư quê nhà, gửi tới tay anh, anh lính cộng hòa, thư em sẽ vượt qua sông núi tới tay người vẫn nhớ vẫn thương, từ ngày rời bỏ quê hương bước đi theo Mĩ, lơ duyên vợ chồng...". Tôi say sưa hát, đùa nghịch những hạt gạo rơi từ chiếc sàng xuống cái mẹt tròn và lắng nghe mẹ hát. Với tôi quang cảnh đó trong tuổi thơ rất êm đềm và hạnh phúc, đó là những giây phút ngọt ngào trong cuộc sống của tôi. Những đêm em gái tôi quấy khóc, tôi lại nằm trên chiếc tràng kỷ ngoài hiên, và lẩm nhẩm theo tiếng mẹ ru em da diết, thiết tha:"...ạ a ạ ạ ời!... ơ ơi...! Ru con! Con ngủ ơ...cho... ngoan, để mẹ đi cấy ơ... đồng xa... chưa về, ạ a ạ ạ ời! ơ ơi!..." Tiếng ru của mẹ khiến cho tôi trong giấy phút đó cũng mong muốn được bế trên tay đứa con của mình, tôi sẽ ru con như cách mẹ đã ru tôi ngủ mênh mang và nồng ấm: " ạ a ạ a ơi!..".Tôi thích mẹ tôi hát còn hơn những bài hát trên loa truyền thanh của xã. Mỗi lần đi theo mẹ đến các cuộc họp phụ nữ và nghe người ta biểu diễn văn nghệ, tôi luôn tự hỏi vì sao mẹ tôi không bước lên sân khấu và hát những bài mẹ vẫn hát cho tôi nghe. Mẹ tôi hát hay hơn tất cả những cô dì ở đó, mẹ là ca sĩ của gia đình. Tôi không hề biết lúc đó tôi đang được hưởng thụ những tiếng hát tuyệt vời, những tiếng hát mà sau này khi lớn lên tôi không bao giờ được nghe mẹ tôi hát lần nữa.

Mẹ tôi lấy cha và cùng xây dựng nên một gia đình năm thành viên chung sống. Gia đình tôi là gia đình nông dân khó khăn. Cha tôi không phải là người đàn ông hoàn hảo, ông bị câm điếc từ khi còn nhỏ. Vì vậy mà cha chỉ có thể phụ giúp mẹ việc đồng áng và khi không vào vụ mùa ông đi làm thuê tất cả mọi việc trên đời mà người ta thuê ông để kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ lấy cha, mẹ chấp nhận một mình gánh vác, chèo chống, trở thành trụ cột một gia đình. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi đều do mẹ quyết định. Tôi nhớ có một buổi chiều tối mùa hè, cả nhà sắp mâm cơm nhưng mẹ vẫn chưa về, bữa cơm in đậm trong tâm trí tôi, một nồi cơm bốc mùi thơm nghi ngút và trên mâm vỏn vẹn một bát canh rau khoai lang nấu với mắm tôm, món canh ưa thích ở vùng quê chúng tôi. Khi chuẩn bị ăn cơm, tôi thấy mẹ đi vào từ con ngõ dài, hình ảnh đó trở thành động lực giúp tôi trong cuộc sống sau này. Mẹ mặc chiếc quần đen rộng thùng thình, chiếc áo bà bà màu hồng nhạt đã phai thành màu trắng - áo cưới của mẹ. Mẹ bước vào nhà, đến ngồi bên mâm cơm và cởi bỏ chiếc nón tả tơi với bao lần mưa nắng, ánh mắt mẹ đỏ hoe, mẹ thở dài nhìn cả gia đình quây quần sum họp, rồi giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt mẹ. Mẹ nói với chúng tôi, lúc đó vẫn còn là những đứa trẻ những uất nghẹn trong lòng.

- Mẹ vừa đi vay vốn xóa đói giảm nghèo, mẹ định vay 200 ngàn về mua lợn để nuôi. Nhưng người ta nói nhà mình nghèo vay rồi lấy gì mà trả, nên họ không cho vay.

Mẹ nói những điều này với mấy đứa trẻ con thậm chí còn chưa đi học như chúng tôi, vì mẹ không biết phải tâm sự và san sẻ nỗi lòng này cùng ai. Mẹ không thể chia sẻ cùng cha – người không thể nghe và không thể nói được. Mẹ đã không biết rằng những lời mẹ nói chúng tôi chưa từng quên, nó trở thành động lực cho sự trưởng thành của chúng tôi.

Mẹ tôi không biết đi xe đạp. Ngày đó gia đình tôi có một chiếc xe đạp dành cho nam giới, là kiểu xe có một thanh ngang nối từ yên xe đến cổ xe rất khó cho những người mới tập đi xe có thể ngồi lên đó. Tôi không nhớ mẹ đã từng tập xe lần nào chưa. Để có thể sắm được một chiếc xe đạp mới cho phái nữ với điều kiện gia đình tôi phải đến năm chị tôi bước vào học cấp ba mới thực hiện được. Không thể đi xe đạp là điểm yếu duy nhất của mẹ, nhưng nó cũng khiến tôi nhìn thấy ở mẹ một người phụ nữ đầy nghị lực. Vì gia cảnh khó khăn, nên khi rảnh rỗi mẹ tôi cũng đi buôn như người ta. Nói là như người ta nhưng người ta đi bằng xe đạp, còn mẹ tôi đi bộ. Để đón những chuyến hàng sớm người ta dậy lúc 5 giờ, nhưng mẹ với đôi chân của mình đã đi buôn từ 2 giờ sáng. Mẹ tôi kể, có những hôm mẹ đi trên đường vắng lạnh, qua những khu nhà hoang hay nhà tập thể từng cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, cũng có nhưng khi mẹ bất chợt gặp trên đường những bóng người hối hả, mẹ đuổi theo gọi họ - nhưng họ không trả lời và tan vào màn đêm u mịch, mẹ giật mình tỉnh khỏi cơn mê hóa ra mình đang bị những linh hồn lang thang đùa giỡn. Nhưng nỗi sợ hãi không làm chùn bước chân của mẹ trên đường, bởi có một gia đình ở phía sau nhìn vào đôi chân mẹ, mẹ tôi vẫn đi buôn khi người ta vừa chìm sâu vào giấc ngủ hàng đêm – một mình – tất bật – hứng khởi. Bàn chân mẹ to và thô kệch, gót chân chai sạn và nứt nẻ, những ngón chân xòe như rẻ quạt, móng chân phồng lên dày cộp màu nâu đất. Đôi bàn chân đó đã đạp nhẵn những đường mòn đi đón hàng vào sáng sớm, đôi bàn chân đó đã bấm nát cả bùn đất dưới ruộng trong mùa đông lạnh giá. Đôi bàn chân mang vẻ đẹp của lao động vinh quang – đôi bàn chân của mẹ. Mỗi khi nhìn xuống đôi tông mòn gót được chắp vá đầy dây rợ, tôi mơ đến một ngày tự mình dẫn mẹ đến một hiệu giày sang trọng, đặt riêng cho mẹ một đôi giày vừa với bàn chân. Liệu tôi có tìm được một nơi đủ sang trọng để xứng đáng với đôi bàn chân của mẹ tôi không?

Khi tôi còn thơ bé, tôi là đứa trẻ ốm yếu nhất trong nhà. Mẹ kể mẹ sinh tôi vào một tối mưa bão tháng mười, để sinh được tôi mẹ đã rất đau, vì tôi có cái đầu to hơn những người bình thường, khi tôi đi học bọn bạn đã gọi tôi bằng biệt danh "trốc bom" ( đầu bom). Tôi sinh ra vào năm lũ nhấn chìm cánh đồng làng, nước mặn tràn vào khiến mùa màng thất bát, một năm đói kém. Gia đình nghèo lại càng thêm khốn đốn, mẹ và cha mải miết bận mưu sinh chỉ mong kiếm đủ khoai cháo nuôi gia đình qua những ngày cơ cực. Tôi lúc đó là đứa trẻ sơ sinh không có cha mẹ bên cạnh mình, tôi có một thân hình không cân xứng vì cái đầu quá khổ, mất mùa thiếu ăn lấy đâu ra sữa dồi dào để bú. Tôi trở thành đứa trẻ chỉ nằm mê man bất động mà không thể bước đi. Mẹ kể tôi nghe về những lo lắng của mẹ trong năm tháng đó, mẹ đã sợ đứa con này thành đứa trẻ tật nguyền, tất cả nỗi lo đã vỡ òa khi tôi chập chững những bước đầu tiên vào năm tôi hai tuổi. Tôi đã đi chậm hơn tất cả những đứa trẻ khác, nhưng bước đi đó chắc chắn hơn tất cả mọi đứa trẻ - mẹ tôi biết thế, vì mẹ đã không ngừng nuôi hi vọng con của mẹ sẽ tự mình bước đi. Tuổi thơ, tôi bị bệnh thận, để nuôi được một đứa con khó khăn như tôi mẹ đã rất vất vả. Tôi nhớ như in từng kí ức, những ngày tháng mà mẹ đã tìm cách chạy chữa cho tôi. Gia đình nghèo không có cái ăn nên thức ăn chính của nhà tôi lúc là canh rau muống, lúc mẹ lại muối cà dừa hay đôi khi muối cả dưa non để ăn dần. Nhưng tôi luôn được mẹ dành cho một thực đơn đặc biệt, chỉ riêng mình tôi được ăn cơm trắng với thịt nạc kho nhạt, để có thức ăn cho tôi, mẹ thường hay đi cấy thuê, đi gặt thuê, hay đi làm vườn hộ kiếm lấy tiền. Tôi nhớ một buổi sáng đẹp trời mẹ dắt tay tôi đi bốc thuốc nam của một thầy lang nổi tiếng. Tôi tung tăng bước cùng mẹ trên đường quốc lộ, bóng hai mẹ con lững thững đi bộ trải dài trên đường nhựa, nắng dần lên cao, cái nóng của miền trung phả lên con đường và phả vào chúng tôi. Dù là đi bốc thuốc, nhưng tâm trạng của tôi và mẹ đều rất vui, như chúng tôi đang trẩy hội. Mẹ vui vì mẹ có cơ hội và có đủ tiền đưa con mình đến bốc thuốc thầy lang nổi tiếng, tôi vui vì được đi bộ cùng mẹ trên cả con đường dài xa lạ, háo hức. Trên con đường dài sáu cây số đó, mẹ cùng tôi bước đi lặng lẽ trong tiếng còi tàu xe inh ỏi – chúng tôi ở một khung trời khác – khung trời chỉ có mẹ và con êm đềm, yên bình và thanh thản. Những khi tôi mỏi mẹ lại cõng tôi trên lưng, rồi khi mẹ mỏi tôi tung tăng bước đi cùng mẹ... Tôi nhớ có một đêm, tôi lên lên cơn đau bụng quằn quại. Mẹ lo lắng bế tôi đi trong đêm khuya vắng vẻ, bước chân mẹ hối hả, tôi ở trong vòng tay mẹ - nước mắt ngắn dài rên rỉ vì cơn đau âm ỉ cuộn lên mỗi lúc một dồn dập. Mẹ gõ cửa nhà bác sĩ Thành, người duy nhất mẹ biết, gõ cửa – gọi tên – chờ đợi trong im lặng – màn đêm tĩnh mịch đáp lại lời của mẹ. Mẹ bế tôi ra về khi cơn đau không còn nữa, tôi hớn hở nô đùa trong vòng tay mẹ. Bước đi của mẹ lặng lẽ, mẹ đang trải nghiệm về cuộc đời, cuộc đời của mẹ - ngày hôm nay mẹ đã không thể tìm cho con gái của mình một bác sĩ. Khi còn bé, tôi còn là một đứa bé bị lở loét, người ta nói tôi bị "mụn mạch lươn". Tôi không hiểu rõ sao lại là "mụn mạch lươn", chỉ là hai bên đầu tôi chỗ gần với thái dương bị mụn nhọt kinh khủng, nó mưng mủ và nhầy nhụa, giống hệt với trẻ con để kiểu tóc trái đào, chỉ khác là những đứa trẻ đó người ta cạo hết tóc chỉ để lại ba chỏm như ba quả đào, thì tôi cả đầu toàn là tóc chỉ để lại hai chỏm tóc không mọc được thay vào đó toàn mụn nhọt và mưng mủ. Mẹ nhìn tôi, đứa trẻ lắm bệnh tật không khỏi thở dài lo lắng. Người ta lại mách với mẹ, bị "mụn mạch lươn" thì phải dùng lươn để chữa, phải dùng một con lươn đem nướng chin rồi đắp vào chỗ bị lở loét.

↑↑ Lượt xem: 136
1 2 >>
Cùng chuyên mục
2016.WapSite.Me  © 2016
Admin: Hoàng Kha
Robots.txtsitemap.xmlsitemap.html
Track Websites
0 1 2 3 4 567891011121314151617