Đến bây giờ thì bộ đỉnh đồng đã trở thành báu vật của gia đình tôi vì nó vừa là đồ vật có giá trị, vừa là kỷ vật duy nhất mà cả một đời bố mẹ tôi tần tảo, lam lũ làm dành dụm mới sắm được nó để thờ cúng tổ tiên. Giờ đây bố mẹ tôi đều đã thành người thiên cổ cả rồi, trong những dịp tết đến, xuân về, đứng trước bàn thờ ngắm nhìn di ảnh của mẹ và bộ đỉnh đồng, lòng tôi bỗng se sắt nhớ về những kỷ niệm ngày tôi còn thơ bé sống cùng bố mẹ cho đến khi tôi trưởng thành...Mọi đồ vật, tiền của, gia sản mà bố mẹ tôi để lại cho anh em chúng tôi giờ đây hầu hết đã không còn ai giữ được gì, duy chỉ còn lại bộ đỉnh đồng này...
***
Tôi cũng không biết chính xác bộ đỉnh đồng bố tôi mua tự bao giờ mà chỉ biết nó có từ trước khi tôi được sinh ra, mãi sau này tôi được mẹ kể lại là bố đã dành dụm nhiều năm mới có đủ tiền gửi một người thợ sơn quê dưới Nam Định tìm mua giúp.
Đó là những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ 20. Mẹ tôi cũng không còn nhớ ngày đó bố tôi mua bộ đỉnh đồng hết bao nhiêu tiền mà chỉ biết khi đó nó tương đương với tiền bán hai con trâu mộng.
Thời đó mua sắm những vật thờ như bố tôi thật là hiếm có, vì đời sống người dân quê tôi khi ấy còn nghèo lắm, nhiều người trong làng khi đó cho bố tôi là kẻ chơi ngông, là người gàn dở, với số tiền đó người ta có thể mua sắm được rất nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ cho đời sống, không thì mua vàng để lại cho con cái vẫn hơn là thứ đồ thờ vô dụng kia. Mọi lời đàm tiếu ấy đều đến tai bố tôi. Bố không những chỉ cười mà ông còn ngạo nghễ dẫn một câu nói của ai đó đại ý: "Kẻ tầm thường chỉ lo việc cơm áo cỏn con đâu hiểu được trí lớn của người quân tử!" Riêng với anh em tôi thì bố giải thích: "Các con biết không? Mọi sự cố gắng của bố mẹ cũng là muốn đem lại cho các con có một cuộc sống tốt đẹp, vậy nên bố mẹ đã làm lụng không quản sớm khuya để các con có được cuộc sống như thế này. Nhà cửa, tiền bạc, của cải bố mẹ để lại cho các con bao nhiêu cũng không đủ, người xưa dạy "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" nên tiền bạc để lại các con có thể tiêu sài hết, của cải cũng bị hư hỏng, hao mòn và khi khó khăn các con có thể bán chúng, riêng bộ đỉnh thờ này bố mua không phải là bố gàn dở hay muốn chơi ngông hơn người mà bố nghĩ nó là đồ vật thờ cúng, là người ai chẳng có tổ tiên vì thế không mấy ai nỡ bán những đồ thờ tự đi mà ăn cả, nên bố tin rằng nó sẽ là kỷ vật của bố để lại lâu dài cho các con. Bố mẹ rồi cũng sẽ qua đời, sau này mỗi khi nhìn lên bàn thờ tổ tiên, hẳn các con sẽ nhớ tới bố mẹ, khi đó các con như thấy bố mẹ vẫn luôn hiển hiện đâu đó bên mình!"
Thì ra ông không muốn chúng tôi ỷ nại vào của cải bố mẹ để lại mà ông muốn chúng tôi biết tự gắng gỏi làm ăn và nhớ thờ cúng tổ tiên, bố mẹ. Ông muốn để lại một kỷ vật mà dẫu thời gian có trôi qua nó vẫn tồn tại cùng con cháu. Sau này tôi mới hiểu giá trị của bộ đỉnh đồng không chỉ được tính bằng tiền bạc mà ẩn sâu trong đó là tình cảm lớn lao bố mẹ tôi muốn truyền lại cho con cháu và dòng họ. Tôi hiểu nó là kỷ vật thiêng liêng mang ý nghĩa tinh thần vô giá đối với gia đình tôi...
Bước vào những năm 60 của thế kỷ 20 khắp nơi dấy lên phong trào chống mê tín, dị đoan, ngôi đình làng tôi to đẹp là thế, những khuôn cửa gỗ lim chắc chắn, những hoành phi, câu đối, bức đại tự được trạm trổ long, phượng hết sức công phu, tinh xảo, những cột gỗ lim, gỗ táu to bằng cả vòng ôm của người lớn bỗng chốc bị mọi người phá bỏ, tượng thờ, pho bị thả trôi sông, pho bị trẻ con đập phá tan tành...Việc hội hè, thờ cúng thời đó cũng bị cấm kị vì bị coi là mê tín, dị đoan. Lúc này bố tôi cũng đã qua đời. Nhiều người khi đó lấy làm lo lắng bảo mẹ tôi hãy bán hoặc giấu bộ đỉnh đồng đi kẻo lại mang hoạ. Nhưng mẹ tôi vẫn chần chừ không quyết. Bộ đỉnh đồng vẫn được mẹ tôi trân trọng đặt trên bàn thờ. Nhiều đêm không ngủ mẹ tôi lo lắng bảo anh em tôi: "có lẽ mẹ con mình phải giấu bộ đỉnh đồng đi kẻo không khéo người ta lại thu giữ mất". Nhưng rồi sự lo lắng đó của mẹ tôi đã không xảy ra...
Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đi vào giai đoạn quyết liệt, việc bài trừ mê tín, dị đoan cũng tạm lắng xuống. Nhưng đời sống người dân thời chiến lại lâm vào cảnh khó khăn và thiếu thốn hơn trước. Mọi thứ đều được ưu tiên dành cho chiến trường Miền Nam... Chúng tôi cũng dần khôn lớn. Các anh chị tôi, người tiếp tục tòng quân, người thoát ly đi công tác, nhà lúc này chỉ còn lại mẹ và tôi. Sáng tôi đi học, chiều về theo người lớn đi làm hợp tác, do neo người nên tôi nhanh chóng phải làm quen với mọi công việc nặng nhọc của đồng áng từ cày bừa, cấy gặt, đến gánh phân, cào cỏ... Vậy mà cuộc sống vẫn vô cùng thiếu thốn.
Đúng như những gì bố tôi đã nói trước đây, của cải bố tôi để lại rồi cũng hết. Trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng, ngôi nhà gỗ 5 gian bố tôi để lại cũng đã bị mối mọt huỷ hoại nên buộc phải dỡ bỏ để làm nhà mới, của nả trong nhà tôi khi đó cũng chẳng có gì đáng giá, hai mẹ con theo công điểm hợp tác xã, làm quần quật và chi tiêu hết sức tằn tiệm cũng chỉ đủ ăn, sự tích luỹ hầu như chả có gì, tất cả chỉ trông vào hạt thóc, củ khoai, con gà, con lợn... Lúc túng bí người ta dễ sinh tính quẩn. Suy đi tính lại mẹ con tôi vẫn không biết xoay sở thế nào để có đủ tiền làm nhà mới, khi đó tôi nghĩ đến việc bán bộ đỉnh đồng. Vì thương tôi nên mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi bán, tôi tìm khách giao bán nhưng mãi không bán được, trong khi việc làm nhà cũng đã xong, tiền nong xây nhà, tất cả đều dựa vào sự tháo vát và tài xoay sở, ngoại giao vay giật xóm giềng của mẹ tôi, mỗi người giúp một chút nên mẹ con tôi cũng không gặp khó khăn gì lắm. Vậy là bộ đỉnh đồng không phải bán.
Những tưởng mọi sự như vậy đã là ổn nhưng con người thường có nhiều tham vọng. Những năm 90 những ai làm ăn khá giả đều có xu hướng mua đất, mua nhà ra mặt đường quốc lộ hoặc lên phố. Tôi cũng dành dùm được chút tiền liền mua một mảnh đất nhỏ ven quốc lộ. Đất có rồi nhưng tiền làm nhà chưa có, lần này tôi lại nghĩ đến chuyện bán bộ đỉnh đồng, nhưng không hiểu ra sao mà lần nào tôi định bán cũng không bán được, lần thì khách trả giá quá rẻ, tôi không bán, lần tôi đồng ý bán nhưng rồi khách lại không quay lại mua nữa... Cứ thế cho đến khi tôi xây xong nhà. Vậy là bộ đỉnh vẫn còn!
Sau lần ấy mẹ bảo tôi: "Hẳn bố con thiêng lắm! Ông không cho bán! Thôi mẹ cũng nghĩ lại rồi, các con tuy khó khăn thật đấy nhưng cũng chưa đến nỗi nào, hãy nghĩ cách khác, từ giờ không bao giờ được nghĩ đến việc ấy nữa. Đây là kỷ vật duy nhất bố con để lại, con hãy giữ lấy, để mỗi khi nhìn đến nó các con lại nhớ về bố mẹ, nhớ về những tháng năm gia đình ta đề huề, sum họp bên nhau!". Sau này tôi ân hận mãi vì những suy tính nông nổi của mình. Ngày đó chỉ chút nữa tôi đã bán mất kỷ vật duy nhất của bố tôi để lại. Giờ nó trở thành báu vật của gia đình tôi. Mỗi khi nhìn lên bàn thờ tôi lại như được thấy bố mẹ hiện về đâu đó bên tôi .
Sáng nay, khi xuân đã ngập tràn mọi ngả, đứng trước bàn thờ, ngắm nhìn bộ đỉnh đồng lòng tôi nao nao nhớ tới bố mẹ, những người đã lao động miệt mài để rồi khi về với tổ tiên, bố mẹ cũng chẳng có gì cho riêng mình. Tôi thấy thương bố mẹ vô cùng! Trong làn khói hương huyền ảo tôi như thấy ánh mắt bố mẹ đang mỉm cười với tôi. Mắt tôi bỗng nhoè đi vì lệ!
Bùi Nhật Lai